Hướng tới xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

Ngày 6/2/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 348/KH-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra; nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 154-CTr/TU ngày 21/11/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 6/2/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 348/KH-UBND yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra; nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

Sản phẩm OCOP luôn thu hút người tiêu dùng chọn mua. Ảnh: Văn Nỷ

Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu: Đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 3-4%/năm và giai đoạn 2026-2030 tăng 4-5%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 10-11%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trên 95% (45 xã), trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trên 70% huyện đạt chuẩn NTM (5 huyện), trong đó, phấn đấu 40% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (2 huyện). Thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 49%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù, tiềm năng, lợi thế, chất lượng, sức cạnh tranh cao gắn với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn để đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn. 

Triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính... Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cấp mã vùng, mã vạch đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGap, GlobalGap) và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, quy trình “1 phải, 5 giảm”; khuyến khích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ. Kiên quyết di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung. Phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, lợi thế cạnh tranh. Bố trí quỹ đất phù hợp cho phát triển chăn nuôi, nhất là ở các địa phương chuyên trồng lúa. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi phù hợp với hạn ngạch giấy phép khai thác tương ứng từng vùng; đảm bảo khai thác hải sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế...

Bảo tồn, phát triển các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Chú trọng đào tạo, tôn vinh nghệ nhân ở nông thôn. Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân. Nâng cao hiệu quả đầu tư, tích hợp một số chương trình đầu tư đang triển khai trên địa bàn nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). 

Quy hoạch kiến trúc khu dân cư, công trình, nhà ở phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan, môi trường, điều kiện thực tế từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học - công nghệ trong thiết kế, quản lý, xây dựng kiến trúc nông thôn. Đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, văn hóa, giáo dục, y tế. Khẩn trương, quyết liệt xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải. Xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống. 

Trong quá trình thực hiện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung đối với những nhiệm vụ mới phát sinh, cấp thiết để bảo đảm phù hợp, hiệu quả.