Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Nhu cầu tiếp cận vốn vay để làm ăn phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm của các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Kết quả của việc tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ NSĐP là điểm nổi bật trong việc thực hiện chủ trương tập trung huy động nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi giúp chi nhánh tăng trưởng nguồn vốn ổn định, nâng cao năng lực tài chính, chủ động hơn trong triển khai các chương trình tín dụng. Hằng năm, sau khi có chỉ tiêu của trung ương giao, đơn vị đều tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố cân đối một phần ngân sách để ủy thác sang ngân hàng.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) phát triển mô hình kinh tế từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi.
Đặc biệt, từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, vốn NSĐP ủy thác sang NHCSXH hằng năm đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao. Chỉ tính riêng trong năm 2022, vốn ủy thác từ UBND tỉnh và các huyện, thành phố đạt 15,25 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn NSĐP ủy thác sang NHCSXH tỉnh đến nay đạt trên 85 tỷ đồng. Từ nguồn vốn bổ sung, các chương trình cho vay được thực hiện liên tục, ổn định, với tổng dư nợ hiện đạt 2.936 tỷ đồng, với 75.542 khách hàng còn dư nợ. Hầu hết các nguồn vốn đều tập trung vào vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, bãi ngang ven biển và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như hộ ông Đạo Văn Lịch, ở thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ vốn NHCSXH. Kinh tế gia đình trước đây phụ thuộc chủ yếu vào 4 sào trồng lúa, do thường xuyên thiếu nước nên nhiều vụ phải ngưng sản xuất. Năm 2014, được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng, ông mua 2 con bò về nuôi, nhờ trồng cỏ và thực hiện tiêm phòng đầy đủ nên bò sinh sản nhanh, mỗi năm xuất bán đều cho lãi cao. Số tiền tích lũy từ nuôi bò, ông đầu tư cải tạo đất trồng lúa, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, cho năng suất bình quân đạt trên 6 tạ/sào/vụ; nhờ đó, cuộc sống ngày càng ổn định.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ bình quân hằng năm từ 8% trở lên, trong đó, nguồn vốn NSĐP ủy thác đến năm 2025 đạt mức từ 6-8% tổng vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, gắn nguồn vốn cho vay với chủ trương, định hướng của địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như hướng dẫn hộ vay triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Hồng Lâm