Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xen kẽ trong 3 loại rừng trên có 16.065 ha đất rẫy của các hộ dân sống ven rừng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang tổ chức sản xuất rất dễ biến động do tình trạng lấn chiếm đất rừng.
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn liên hồ Sông Sắt - Sông Trâu thực hiện nhiệm vụ quản lý diện tích 39.337,33 ha rừng và đất rừng, trong đó diện tích nương rẫy xen kẽ trong quy hoạch 3 loại rừng trên lâm phần đơn vị quản lý là 4.842,72 ha. Để thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ rừng (BVR), đơn vị đã chọn mô hình chăn nuôi gia súc dưới tán rừng; đồng thời, thực hiện khoán bảo vệ 14.606 ha rừng tự nhiên cho 28 cộng đồng, với hơn 500 thành viên tham gia. Với những biện pháp thực hiện BVR hữu hiệu, trong những năm qua đơn vị đã phát huy được hiệu quả công tác BVR.
Tuy vậy, hiện nay dưới áp lực dân số tăng nhanh, đất đai ngày càng có giá trị về mặt kinh tế, bà con dân tộc thiểu số ở một số địa phương nhận thức pháp luật về công tác BVR còn hạn chế, nên vẫn vi phạm lấn chiếm đất rừng. Có một thực trạng là, dù đã được Nhà nước hỗ trợ định canh, định cư nhưng bà con vẫn canh tác rẫy vài năm rồi bỏ, rừng tái sinh phục hồi sau đó quay lại phát rừng canh tác, mở rộng diện tích nương rẫy trái pháp luật. Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, nhưng các hộ dân vẫn canh tác trong rừng, lén lút cơi nới lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp, đây là khó khăn chung của hầu hết các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Để giúp các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý đất lâm nghiệp theo pháp luật và thực tiễn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Lập hồ sơ quản lý nương rẫy trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” với mục tiêu xây dựng bản đồ nương rẫy và trích lục hồ sơ nương rẫy đến từng hộ dân, xác định mốc ranh giới các lô nương rẫy ngoài thực địa nhằm quản lý và cập nhật diễn biến hiện trạng rừng và đất rừng.
Hiện nay, một số đơn vị chủ rừng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Vapeco Việt Nam triển khai các bước thực hiện đề án trên lâm phần, bước đầu ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nương rẫy xen kẽ trong 3 loại đất rừng.
Anh Tùng