Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, trên tinh thần khẩn trương, ngay từ những ngày đầu xuân mới, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành; huy động, sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
Trang trại hoa lan tại thôn Lâm Bình, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) được đầu tư sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: V.M
Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 3-4% so với năm 2022, giá trị sản xuất trên diện tích đất chủ động nước đạt 142 triệu đồng/ha, trong chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào giữa tháng 1 vừa qua, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tiếp tục theo dõi, đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã được cấp chứng nhận đầu tư và xúc tiến đầu tư mới.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm nước khoảng 1.300 ha, trong đó chuyển đổi 500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Riêng vụ đông - xuân 2022-2023, toàn tỉnh chuyển đổi 371 ha; trong đó, chuyển đổi đất lúa 152,7 ha, đất khác 218,3 ha. Sở đã ban hành chương trình công tác trọng tâm, với các nội dung chính: Theo dõi, bám sát tình hình để chỉ đạo điều hành phù hợp, ứng phó linh hoạt với thời tiết, những tình huống bất thường của thị trường, dịch bệnh. Tập trung tuyên truyền về vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình, thay đổi căn bản nhận thức của nông dân về mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới và các gương điển hình tiên tiến về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với DN thông qua hợp tác xã (HTX). Triển khai chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để tập trung thu hút DN làm hạt nhân trung tâm liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung ở các lưu vực hồ chứa, các diện tích trồng lúa kém hiệu quả gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; duy trì và phát triển liên kết sản xuất cánh đồng lớn, phát triển các mô hình, đối tượng mới có lợi thế, còn dư địa, có giá trị gia tăng cao như nho, táo, măng tây xanh gắn với các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đảm bảo kịp thời, phù hợp tình hình thực tế địa phương.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra chất lượng giống lúa. Ảnh: V.Miên
Với niềm tin và tinh thần làm việc khẩn trương của những ngày đầu xuân mới, các địa phương trên toàn tỉnh đã đôn đốc nông dân sản xuất đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Huyện đặt mục tiêu xây dựng mặt hàng gạo đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Để sớm đạt mục tiêu, vụ đông - xuân 2022-2023 huyện chú trọng hỗ trợ các HTX đưa những giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, duy trì 15 mô hình cánh đồng lớn tổng diện tích 2.353 ha gắn với liên kết DN tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và thực hiện các mô hình điểm, tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất cho nông dân.
Năm 2022, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận 65 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao và 56 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao. Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, năm 2023 ngành chức năng, các địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm bằng những giải pháp cụ thể, như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung đã triển khai kế hoạch sản xuất, tạo khí thế ngay từ những ngày đầu của xuân mới. Anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết: Dịp tết Nguyên đán vừa qua, HTX đã cung cấp ra thị trường số lượng lớn dưa lưới chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Tiếp đà thành công, ngay từ ngày đầu xuân mới, HTX đầu tư hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới và dưa lê phân phối cho các siêu thị và xuất khẩu.
Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, xác định đúng các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai có trọng điểm, ngành Nông nghiệp kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ, đạt những thành tựu bền vững trong năm 2023.
Anh Tùng