Chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Năm 2022, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện công tác chuyển giao khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương thực hiện nhân rộng mô hình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với diện tích 12.524 ha, chiếm 28,2% tổng diện tích lúa toàn tỉnh, tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2021; nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ bao (CNC) lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo được hơn 642 ha/1.983 hộ, chiếm 63,7% tổng diện tích trồng táo, góp phần giảm tác hại của các sinh vật gây hại, tăng năng suất, sản lượng thu hoạch và nâng cao giá thành sản phẩm táo.

Công tác hướng dẫn nông dân thực hiện các dự án chuyển tiếp của năm 2021 được quan tâm thực hiện. Đơn cử, việc triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận” triển khai có hiệu quả đã góp phần vào thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả có giá trị kinh tế cao năm 2022 và đến năm 2025 theo Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 24/1/2022 của UBND tỉnh. Cùng với đó, việc triển khai các mô hình mới cũng được đẩy mạnh. Các mô hình thâm canh cây mít theo hướng hữu cơ, mô hình thâm canh cây mè, mô hình trồng bí đậu... đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Không dừng lại đó, mô hình trồng táo, mãng cầu dai, bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn (Ninh Sơn) và xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng tiếp tục được nhân rộng.

Thực hiện Quyết định số 370/QĐ-UBND ngày 1/4/2022 của UBND tỉnh về việc phân bổ hạt giống cây trồng hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại do thiên tai năm 2021 từ nguồn dự trữ quốc gia, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các huyện tiếp nhận và phân bổ hạt giống với số lượng 263 tấn; trong đó, 258 tấn hạt giống lúa Đài Thơm 8, 5 tấn hạt giống bắp LVN 10 từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương; đồng thời hướng dẫn nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt theo quy định.

Tình hình đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng CNC có chuyển biến tích cực, có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động; trong đó, 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản, cho sản phẩm và hiệu quả. Sở NN&PTNT phối hợp với Ban Quản lý Khu nông nghiệp CNC TP.Hồ Chí Minh ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu hoặc các dự án cả hai bên cùng quan tâm. Triển khai các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học; chia sẻ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm, đồng thời quảng bá nông nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp sinh thái. Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp CNC, đổi mới sáng tạo, khởi tạo doanh nghiệp theo nhu cầu, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ thuật và quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tập huấn, tư vấn cán bộ kỹ thuật, đào tạo dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp CNC.

Năm 2023, ngành NN&PTNT tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Để thực hiện đạt mục tiêu, ngành tiếp tục theo dõi, đồng hành cùng các doanh nghiệp triển khai các dự án nông nghiệp CNC đã được cấp chứng nhận đầu tư và xúc tiến đầu tư mới; tổ chức thẩm định các hồ sơ công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, doanh nghiệp ứng dụng CNC theo quy định hiện hành. Tiếp tục duy trì và phát triển các liên kết cánh đồng lớn tại các vùng sản xuất tập trung, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ trong quá trình sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.