Để bảo tồn vẻ đẹp quần thể bằng lăng được thiên nhiên ban tặng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đào gốc cây bằng lăng và cây có nguồn gốc từ rừng.
Lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ cây bằng lăng và cây có nguồn gốc từ rừng tại lâm phần rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam.
Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong tháng 5 và 6, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa khá nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho cây rừng sinh trưởng, xanh tươi tốt. Mùa hè năm nay, trên các triền núi ven biển ở xã Phước Dinh và Phước Diêm lần đầu tiên cây bằng lăng rừng có thân nhỏ, nhiều nhánh, mọc trên các núi đá trổ bông thành chùm, đồng đều cùng thời điểm, có cấu tạo hoa rất đẹp mang đặc trưng vùng đất khô hạn. Qua đó, đã tạo thành một quần thể cây bằng lăng khoe sắc tím rực rỡ, bao phủ cả khu vực rừng núi ven biển, tạo cảnh quang rất đẹp, thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh tập trung về cung đường du lịch trọng điểm quốc gia Mũi Dinh - Cà Ná để chiêm ngưỡng sắc hoa, tận hưởng không khí trong lành, lấy lại năng lượng sau những ngày làm việc. Chị Nguyễn Thanh Trúc ở TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: Hè năm nay, gia đình tôi đến Ninh Thuận tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là lần đầu tiên đi cung đường ven biển Mũi Dinh - Cà Ná tôi cảm thấy rất ấn tượng phong cảnh nơi đây, nhất là không khí rất trong lành, gió mát và được tận mắt chứng kiến hoa bằng lăng nở rộ đồng loạt, khoe sắc tím tươi đẹp cả vùng núi nơi đây, ít có nơi nào có được.
Được biết, khác với cây bằng lăng trồng ở đô thị, cây bằng lăng rừng chỉ khoe sắc tím rực rỡ, tươi thắm đặc trưng, say đắm lòng người khi tự mọc trong môi trường tự nhiên ở vùng núi khô hạn của tỉnh Ninh Thuận. Khi người dân đào bứng gốc bằng lăng rừng về trồng trong chậu cảnh thì hoa nở rất ít, mất đi vẻ đẹp sắc tím thơ mộng. Vì thế, người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, chung tay với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương ngăn chặn các đối tượng đào bứng cây rừng, giữ gìn, bảo tồn giá trị đặc trưng của quần thể cây bằng lăng trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận gắn với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và góp phần tạo thêm sản phẩm đặc sắc, phong phú thêm loại hình du lịch sinh thái của Ninh Thuận.
Hoa băng lăng rừng khoe sắc tím rực rỡ thuộc địa bàn xã Phước Diêm (Thuận Nam).
Đồng chí Trần Ngọc Hiếu, chia sẻ thêm: Nhằm kịp thời quản lý, bảo vệ chặt chẽ những cánh rừng bằng lăng tại các khu vực nêu trên, góp phần bảo tồn tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng đặc hữu nơi đây, tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn, tăng tính thẩm mỹ cho sinh cảnh dọc hai bên tuyến đường ven biển khu vực 2 xã Phước Dinh, Phước Diêm và những khu vực khác trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thành lập, ứng trực 24/24 giờ tại các chốt lưu động để tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực dọc tuyến đường ven biển và những khu vực lân cận nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp tự ý vào rừng khai thác cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, nhất là đối với loài bằng lăng rừng. Tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên; chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý việc khai thác cây rừng, đào cây rừng làm cây cảnh tại khu vực Bãi Đá Trứng. Đồng thời, đề nghị UBND huyện Thuận Nam quan tâm, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vào rừng đào cây bằng lăng và cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên trên địa bàn. Chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam căn cứ vào phương án, kế hoạch bảo vệ rừng của đơn vị hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư.
Văn Nỷ