Bác Ái quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Nhằm giúp người lao động có việc làm ổn định, thời gian qua, huyện Bác Ái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, giải quyết việc làm cho cho nhiều lao động nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các nghề truyền thống của đồng bào Raglai; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Sau hơn 5 năm đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Tiến, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung đã giải quyết việc làm cho 20 LĐ địa phương, với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, nên người LĐ gắn bó với công việc. Anh Pi Năng Thang ở thôn Ma Rớ, xã Phước Thành từ chỗ làm rẫy, thu nhập bấp bênh, sau khi HTX nhận vào làm việc đã có nguồn thu nhập ổn định. Anh Thang cho biết: Trước đây công việc của tôi không ổn định nên cuộc sống khó khăn, từ ngày vào làm việc tại trang trại của HTX thu nhập mỗi tháng trên 6 triệu đồng, có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Cũng như anh Thang, chị Katơr Thị Huệ ở thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng cũng có thu nhập ổn định nhờ được HTX nhận vào làm việc. Chị Huệ chia sẻ: Công việc chăm sóc dưa lưới phù hợp với người vùng cao nên tôi sẽ gắn bó lâu dài.

Người lao động làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung có thu nhập ổn định. Ảnh: K.Hân

Anh Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam Miền Trung cho biết: Trang trại Sun Farm của HTX sản xuất liên tục trong năm nên cần nhiều LĐ cho các khâu làm đất, trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả như: Dưa lưới, dưa lê... Hiện HTX có trên 20 LĐ đang làm việc, đa số người ở địa phương có ưu điểm là cần cù, siêng năng trong công việc. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất, tiếp tục tuyển thêm LĐ, trong đó ưu tiên cho LĐ tại địa phương nhằm giúp người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định ngay tại quê hương mình.

Nhằm giữ gìn và phát huy nghề đan lát của đồng bào Raglai, qua một năm thành lập, đến nay Tổ hội nghề nghiệp đan lát xã Phước Thắng có hơn 35 thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm như: Gùi, nia, chiếu, rổ, quạt, nỏ, đàn Chapi... Có thâm niên hơn 25 năm trong nghề đan lát, ông Katơr Niêu ở thôn Ma Oai phấn khởi, chia sẻ: Đan lát là nghề truyền thống của đồng bào Raglai có từ lâu đời và được lưu truyền cho đến ngày nay, gia đình tôi có 3 thế hệ cùng làm nghề. Trước đây do chưa có tổ hội nghề nghiệp đan lát nên sản phẩm làm ra chủ yếu trao đổi với người dân trong thôn. Từ ngày thành lập tổ, sản phẩm bán được nhiều hơn, từ đó giúp gia đình cải thiện đời sống.

Ông Pi Năng Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thắng cho biết: Tổ hội nghề nghiệp đan lát tập trung sản xuất các sản phẩm đặc thù của đồng bào Raglai được người tiêu dùng và khách du lịch ưa chuộng. Thời gian tới, hội tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đan lát qua cổng điện tử postmart.vn; giúp tổ xây dựng mẫu mã sản phẩm đa dạng phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con.

Nhiều lao động ở xã Phước Thắng có việc làm ổn định tại trang trại trồng kiệu, dưa hấu của gia đình ông Trương Phước.

Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn là giải pháp quan trọng để huyện Bác Ái thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Do đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh về thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, huyện Bác Ái đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai. Hằng năm, huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của LĐ nông thôn, ưu tiên các lớp nghề gắn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận mở 7 lớp/242 học viên với các nghề: May công nghiệp; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mì, mía; kỹ thuật chăn nuôi dê, cừu; xây dựng... Qua đó, đã giải quyết việc làm mới cho 706 LĐ, trong đó có 283 LĐ làm việc ngoài tỉnh, 419 LĐ làm việc trong tỉnh, 4 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp nhiều LĐ có việc làm ổn định ngay tại quê hương với mức lương trung bình từ 6-8 triệu đồng/tháng. Từ kết quả của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần để địa phương đẩy nhanh tiến độ giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ông Trần Quý Dương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Phát huy những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐ nông thôn trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được những quyền lợi, lợi ích trong tham gia giải quyết việc làm; tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sát với yêu cầu thực tế; tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu cho các xã về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu LĐ. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay; phối hợp với các doanh nghiệp tuyển LĐ, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi cho người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trong tỉnh và ngoài tỉnh...