Chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng vụ hè - thu

Vụ hè - thu năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng hơn 28.010ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 13.744,7ha, cây màu 14.266ha. Thời gian gần đây, thời tiết có những đợt mưa xen kẽ nắng nóng, độ ẩm trong không khí cao, nên xuất hiện một số sâu bệnh gây hại trên cây trồng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, qua theo dõi tình hình sản xuất, đối với trà lúa chính vụ với hơn 13.587ha, hiện đang xuất hiện sâu đục thân ở giai đoạn đẻ nhánh trên diện tích 2ha, với tỷ lệ gây hại từ 5-7%, bệnh lem lép hạt gây hại giai đoạn trổ, với diện tích 5ha, chủ yếu tại huyện Ninh Sơn; bệnh khô vằn gây hại giai đoạn làm đòng trên diện tích 2ha, tỷ lệ từ 5-7% tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và một số cây trồng khác như: Bắp, nho, táo, dừa, rau, đậu các loại phát sinh sâu keo mùa thu, sâu đục trái, thán thư, bọ trĩ, bệnh mốc sương, với khoảng 23ha phân bố rải rác đều ở các địa phương.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, cho biết: Mặc dù sinh vật gây hại chỉ phát sinh ở mức độ nhẹ, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người dân không nên chủ quan mà cần tích cực chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Để chủ động các biện pháp phòng ngừa kịp thời, đạt hiệu quả cao, cùng với việc ban hành công văn hướng dẫn, đơn vị cũng đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám đồng ruộng để theo dõi cập nhật diễn biến sâu bệnh; đồng thời, tuyên truyền người dân tiến hành bón phân, phun thuốc theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Nông dân huyện Thuận Bắc chăm sóc cây lúa.

Ghi nhận tại huyện Thuận Bắc trong những ngày này, không khí lao động sản xuất diễn ra khá nhộn nhịp, bà con ra đồng phun thuốc, bón phân, dọn cỏ để hạn chế nguồn bệnh. Anh Chamaléa Sang, thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, chia sẻ: Trong vụ này, gia đình sản xuất 6 sào lúa hiện đang giai đoạn làm đòng, nhận thấy bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá gây hại xuất hiện, tôi chủ động phun thuốc phòng ngừa để tránh lây lan ra diện rộng. Theo báo cáo của huyện Thuận Bắc, do có mưa trong mấy ngày qua, lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn cơ bản đảm bảo tưới cho 3.200ha cây trồng vụ hè - thu. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường phối hợp với các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh trên đồng ruộng, tập trung chăm sóc cây trồng đảm bảo cuối vụ thu hoạch đạt năng suất cao.

Bên cạnh đó, trong vụ hè - thu, toàn tỉnh cũng đã thực hiện chuyển đổi 597,7ha đất lúa và đất khác sang canh tác cây ngắn ngày tiết kiệm nước. Tại những khu vực này, cơ cấu giống đưa vào sản xuất được các địa phương chọn lựa khá kỹ, chống chịu tốt với nắng hạn, phù hợp với từng vùng và từng loại đất. Ngành chức năng cũng đã chủ động theo dõi, triển khai công tác phòng, chống dịch hại, hạn chế sâu bệnh đến cuối vụ. Ông Trương Văn Thừa, thôn Ninh Quý 1, xã Phước Sơn (Ninh Phước), cho biết: Vụ này tôi chuyển 4 sào đất lúa thiếu nước sang trồng ớt đã được 2 tháng. Bên cạnh sự chủ động của nông dân còn có cán bộ kỹ thuật tích cực hướng dẫn quy trình chăm sóc nên tỷ lệ sâu bệnh gây hại ít, không gây ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Theo dự báo tình hình sinh vật gây hại trong thời gian tới, trên cây lúa, bắp, nho, táo và rau đậu các loại... khả năng tiếp tục phát sinh rầy nâu, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, sâu đục trái, bệnh mốc sương ở giai đoạn đẻ nhánh, phát triển thân lá, hình thành trái. Để chủ động phòng tránh, Chi cục TT&BVTV tỉnh khuyến cáo các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường nắm bắt tình hình, theo dõi sát diễn biến và tổ chức phòng trừ sâu bệnh hợp lý theo từng thời điểm sinh trưởng của từng loại cây trồng.