Trong năm, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh làm tốt công tác tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời, mở các lớp tấp huấn kỹ thuật canh tác các loại cây trồng, vật nuôi, thu hút hơn 1.000 lượt nông dân tham gia. Nhờ tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, nông dân trên toàn tỉnh đã đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Công tác triển khai các mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm thực hiện thu được nhiều kết quả, theo hướng tập trung ưu tiên các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù của tỉnh. Đối với trồng trọt, đáng kể là mô hình trồng bí hạt đậu công nghệ cao với quy mô 2.912 m2 tại hộ ông Nguyễn Trọng Hạnh, thôn Ma Ty, xã Phước Tân (Bác Ái). Mô hình đạt được mục tiêu đề ra, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống 98%; năng suất ước đạt 20 tấn/ha; trọng lượng quả đạt 2-2,5 kg/quả. Mô hình được thực hiện tại địa phương mang tính tiên phong, đã tạo được bước đột phá lớn trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao; giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng; tăng thu nhập, thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, hoạt động hỗ trợ phát triển chăn nuôi cũng có chuyển biến tích cực. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn xã Phước Hải (Ninh Phước) và xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) để tiếp tục thực hiện mô hình “Cải tạo để nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo” với 65 hộ được hưởng lợi. Các địa phương trên có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, tổng đàn bò gần 10.000 con. Mô hình sử dụng tinh đực giống Brahman, BBB nhằm giúp bà con tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi và nâng cao tỷ lệ sind hóa đàn bò, tạo ra những con lai có ngoại hình và chất lượng cao, làm tăng thu nhập và phát triển kinh tế ở địa phương. Sau 9 tháng triển khai mô hình, có 190 bò cái có chửa, 8 con bê con được sinh ra, trọng lượng ước đạt bình quân 28-30 kg/con, nặng hơn 4-6 kg so với bê giống địa phương. Đặc biệt, bê lai khỏe mạnh, thích nghi tốt, phát triển nhanh, dễ nuôi, nên được người chăn nuôi ưa chuộng.
Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2022”, tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc). Đây là mô hình thuộc dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2021-2023, quy mô 9 ha/60 tấn thức ăn với 45 hộ được hưởng lợi. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% về giống cỏ VA06, phân bón, túi nilon, muối và các vật dụng cần thiết cho việc chế biến bảo quản thức ăn thô xanh, được tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng, bảo quản, cách chế biến thức ăn thô xanh. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tiếp tục theo dõi, hỗ trợ bà con trong và ngoài mô hình bằng nhiều hình thức như: Áp dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh làm thức ăn gia súc, đồng thời khuyến khích người sản xuất chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất gò đồi sang trồng cây thức ăn chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình “Nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao” tại hộ bà Huỳnh Thị Bích Vương, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) với quy mô 4.500 m2. Sau khi tiến hành cải tạo, làm giàn lưới che nắng, lắp đặt hệ thống quạt nước, trung tuần tháng 6/2022 tiến hành thả ốc giống có kích cỡ 0,4 cm/con (23.000 con/kg) với số lượng 450.000 con vào ao ương giai đoạn 1. Tính đến nay sau hơn 6 tháng nuôi, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 3,6 tấn, kích cỡ bình quân dao động từ 95 -105 con/kg, tỷ lệ sống 80%, lợi nhuận mô hình tăng 26% so với thả nuôi truyền thống. So với hình thức nuôi 1 hoặc 2 giai đoạn như trước đây, mô hình “Nuôi thương phẩm ốc hương 3 giai đoạn trong ao” có nhiều ưu điểm như: Giúp cho việc quản lý, chăm sóc ao nuôi được thuận tiện, dễ dàng và hiệu quả, giúp môi trường đáy ao nuôi được sạch sẽ, ít bị ô nhiễm, từ đó hạn chế rủi ro, bệnh tật trong quá trình nuôi, đồng thời tạo điều kiện ốc nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, tăng tỷ lệ sống, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế, giúp nâng cao và ổn định thu nhập cho người nuôi cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Nhìn lại hoạt động khuyến nông năm 2022 cho thấy, cơ quan chức năng đã phối hợp xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, khu vực, có hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa rộng. Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng; bố trí mô hình trình diễn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao thu nhập nông dân. Duy trì các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cho nông dân, cán bộ khuyến nông nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Anh Tùng