Măng tươi có chứa một lượng độc chất cyanide taxiphyllin. Khi chế biến, cần đun luộc kỹ lại, ngâm hoặc sấy khô trước khi chế biến làm giảm đáng kể hàm lượng taxiphyllincó trong măng, khiến chúng trở thành một loại thực phẩm an toàn để tiêu thụ.
Măng chứa nhiều acid cyanhydric (khoảng 230 mg trong một kg măng củ). Đây được xem là chất gây hại cho dạ dày nên những người bị đau dạ dày không nên ăn măng. Những người bị viêm loét dạ dày khi ăn măng sẽ khiến vết loét bên trong lan rộng hơn, khiến cho những cơn đau dạ dày trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nếu không chế biến kỹ, acid cyanhydric cũng chính là nguyên nhân khiến cho một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn măng.
Dù lượng chất xơ trong măng giúp cải thiện đường tiêu hóa nhưng với những người bị đau dạ dày ăn măng khiến cho việc tiêu hóa càng trở nên khó khăn hơn. Dạ dày lúc này bị nhiều áp lực và cuối cùng dẫn tới những cơn đau dạ dày. Trong khi đó, nếu không được tiêu hóa sớm sẽ gây ra tình trạng tích trữ thức ăn trong dạ dày khiến thức ăn bị lên men, sinh khí và gây ợ chua, đầy bụng... Măng càng già thì chất xơ càng nhiều và càng làm tăng nguy cơ đau dạ dày.
Người đau dạ dày cũng không nên ăn măng muối vì trong các loại măng muối dễ chứa nhiều sinh vật có khả năng lên men. Ăn vào sẽ khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, người bị đau dạ dày nên loại bỏ thực phẩm này trong chế độ ăn của mình.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)