Nhu cầu chất xơ khuyến nghị cho người Việt Nam ít nhất là 20-25g/người/ngày. Chúng ta nên ăn nhiều loại thực phẩm có đủ hai loại chất xơ hòa tan và không hòa tan từ các nguồn thực phẩm lành mạnh như: Các loại rau (bông cải xanh, rau cải, mùng tơi, rau dền...); trái cây tươi (lê, táo, bưởi, chuối, kiwi...); ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, lúa mì nguyên cám...); các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu Hà Lan...); các loại hạt (hạt chia, hạt lanh...)...
Khi chế biến thực phẩm không nên nấu quá nhừ vì sẽ làm hao hụt hàm lượng các chất dinh dưỡng và chất xơ. Với những người mới tập ăn chất xơ nên tăng từ từ để tránh tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Cần lưu ý, khi ăn các thực phẩm giàu chất xơ cần uống nhiều nước để giúp đẩy chất xơ qua ruột dễ dàng. Uống đủ nước rất quan trọng khi ăn thực phẩm giàu chất xơ vì ngoài phát huy hiệu quả của chất xơ còn giúp tránh làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Tránh uống nước có gas vì loại đồ uống này làm tăng không khí vào hệ tiêu hóa dẫn đến đầy hơi và khó chịu.
Trong trường hợp bị hội chứng ruột kích thích, nên sử dụng nguồn thực phẩm giàu chất xơ hòa tan có hàm lượng Fodmap thấp như: Yến mạch, chuối, cam, quả bơ, khoai lang... Nghiên cứu cho thấy, chất xơ hòa tan có thể có lợi cho những người bị ruột kích thích, giúp hỗ trợ giảm các triệu chứng của bệnh.
B.H (Theo Báo SK&ĐS)