Công văn của UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các DNNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Khẩn trương triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và Quyết định 22/2021/QĐ-TTg ngày 2-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025”.
Định kỳ rà soát việc chấp hành các quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa; kịp thời đề xuất giải pháp phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của DNNN tham gia vào phát triển KT-XH đất nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; gắn chiến lược phát triển của DNNN với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của DNNN phù hợp với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH. Trong đó, có giao nhiệm vụ cho DNNN triển khai nghiên cứu đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ phát triển KT-XH theo hướng bền vững, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, như: Năng lượng (ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng sạch)... trên cơ sở thế mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của tổ chức đảng; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong các DNNN; đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý cán bộ. Quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong DNNN khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất, sai phạm trong hoạt động của DNNN.
Điện gió Phước Hữu (Ninh Phước). Ảnh: Phan Bình
Giao các DNNN chủ động thực hiện rà soát, tinh giản bộ máy quản lý doanh nghiệp; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai... của DNNN, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng uy tín và thương hiệu của DNNN trên thị trường trong nước và quốc tế. Triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường áp dụng mô hình kinh doanh mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Các cơ quan có chức năng thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng nhằm nắm bắt, phản ánh, đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật, phát hiện sớm sai phạm, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp giúp doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, trường hợp phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương và công ty kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài chính) để xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Phước Đức