Phía xa xa giữa 2 triền núi bao quanh Thuận Bắc, hàng chục trụ điện gió sừng sững, đang giăng những cánh quạt khổng lồ; hằng trăm tấm pin năng lượng phản quang lấp lánh đón ánh mặt trời, chúng tôi cảm nhận rõ những đổi thay rõ rệt... Sức sống mới đang ngập tràn trên vùng đất anh hùng Thuận Bắc.
Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc kể về những chiến công anh dũng của quân và dân Thuận Bắc ngày đó: Sau khi thất bại liên tiếp trên chiến trường Tây Nguyên và các tỉnh dọc duyên hải miền Trung, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ. Chúng đã rút quân lui về co cụm, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa để bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn, lấy khu vực Du Long (xã Công Hải ngày nay) làm nơi chốt chặn chủ yếu. Nhưng, quân và dân ta đã kiên cường đấu tranh phá vỡ tuyến phòng thủ từ xa của địch, tạo đà để giải phóng Ninh Thuận, tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Bắc đã nỗ lực xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc. Giờ đây, vùng đất anh hùng đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Trước đây, nền kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp, độc canh, trồng lúa nước một vụ, năng suất thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nay, nhờ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi như hồ Sông Trâu, Bà Râu, đập Kiền Kiền, trạm bơm Ba Tháp và hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 nên đã chủ động nước tưới cho hơn 10.000 ha đất canh tác. Địa phương đã đẩy mạnh khai hoang phục hóa, thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng triển khai thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới như trồng lúa giống cao sản, trồng lúa ứng dụng công nghệ “1 phải 5 giảm”, nuôi bò vỗ béo, nuôi cừu sinh sản, nuôi lợn đen sinh sản… Người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cải thiện đời sống, từng bước đẩy lùi đói nghèo.
Hồ Bà Râu (Thuận Bắc) phục vụ tưới tiêu cho nông dân. Ảnh: P.Bình
Cùng với phát triển nông nghiệp, Thuận Bắc cũng chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp. Là huyện miền núi, Thuận Bắc có nguồn khoáng sản dồi dào về đất, đá phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Huyện đã tìm nhiều giải pháp thu hút đầu tư để xây dựng Thuận Bắc thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, hiện nay trên lĩnh vực năng lượng tái tạo Thuận Bắc đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các dự án điện mặt trời Trung Nam, Điện gió Trung Nam, Đầm Nại…đang được triển khai đầu tư, biến vùng đất khó khăn trở nên sôi động, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện phát triển vượt bậc.
Hoạt động du lịch-dịch vụ trên địa bàn huyện có chiều hướng phát triển, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan với các điểm du lịch như Suối Tiên, suối Ba Hồ, suối Kiền Kiền, tháp Hòa Lai… Bãi biển Bình Tiên nằm dưới chân Núi Chúa dài 3,8 km, là bãi biển rất đẹp đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch cao cấp, trong tương lai sẽ là điểm thu hút một lượng khách tham quan khá lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Suối Ba Hồ (Thuận Bắc) vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng luôn thu hút đông đảo du khách. Ảnh: P.Bình
Huyện Thuận Bắc có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế, cùng với đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào như hỗ trợ vay vốn làm ăn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; tập huấn và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuậtvào sản xuất; xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc nghèo; thực hiện khôi phục làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống… Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.
Sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Thuận Bắc trong những năm qua đã khiến bộ mặt vùng “lá chắn thép” năm xưa có nhiều khởi sắc. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, đến nay Thuận Bắc đã có 20/23 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Việc các chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đã tạo được dấu ấn về sự đổi mới, năng động và sáng tạo thúc đẩy Thuận Bắc phát triển. Trong quý I-2019, giá trị sản xuất các ngành ước đạt 1.530 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 94%. Thu ngân sách trên địa bàn 17 tỷ đồng/24,6 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.227 tỷ đồng, đạt 83%. Văn hoá- xã hội có bước chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện tốt; các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ chính sách luôn được quan tâm; nhiều giải pháp giảm nghèo đã được triển khai có hiệu quả. Thuận Bắc đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Đồng chí Nguyễn Dâng Tuyển, cho biết thêm: Năm 2019 được xác định là năm bứt phá để phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Để hoàn thành và vượt các chỉ tiêu năm 2019 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Thuận Bắc tập trung chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế, đảm bảo tỷ trọng các ngành theo mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ-thương mại; cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho yêu cầu phát triển; tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà huyện có lợi thế, như: Năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng NTM. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, đồng thời có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xuân Bính