Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Phát huy lợi thế của huyện thuần nông, những năm qua, địa phương đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để đầu tư nâng cấp hệ thống thủy nông nội đồng. Tập trung vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; quy hoạch, bố trí lại các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo thế mạnh của từng vùng và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao; đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có điều kiện thâm canh, tăng vụ. Cùng với đó, địa phương còn tập trung xây dựng một số mô hình sản xuất, đặc biệt là các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.
Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, góp phần tăng thu nhập
cho nông dân xã Phước Hậu. Ảnh: D.L
Từ những chủ trương trên, huyện Ninh Phước đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số mô hình nông nghiệp, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong đó điểm nhấn có mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, với diện tích sản xuất từ vài chục ha ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 4.000 ha. Đặc biệt, mô hình sản xuất cánh đồng lớn được thực hiện trong thời gian gần đây đem lại kết quả khả quan, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 15-17 triệu đồng/ha so với trước đây, qua đó đã tạo tiền đề địa phương nhân rộng mô hình ra toàn huyện, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trong huyện. Không những vậy, nhằm đánh thức tiềm năng sẵn có, huyện đã quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn ở các xã nhằm tạo đột phát trong sản xuất theo chuỗi giá trị, như mô hình trồng măng tây xanh, với diện tích 40 ha ở xã An Hải; sản xuất bắp nhân giống với diện tích trên 300 ha ở xã Phước Sơn, Phước Vinh; sản xuất gạo sạch chế biến bún khô xuất khẩu, với diện tích 20 ha tại xã Phước Hữu; mô hình trồng nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phước Thuận; mô hình tưới nước tiết kiệm nước với diện tích 350 ha; sản xuất tôm giống tập trung ở xã An Hải đạt sản lượng 12 tỷ post/năm và nuôi tôm thịt đạt sản lượng trên 2.000 tấn/năm; nuôi heo công nghiệp quy mô đàn từ 600-2.000 con tại các xã Phước Vinh, An Hải; trang trại nuôi gà lấy trứng quy mô 120 ngàn con tại xã Phước Vinh…
Nông dân Ninh Phước ứng dụng công nghệ cao vào mô hình canh tác măng tây xanh. Ảnh: S.N
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân và tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, đã đưa giá trị sản phẩm ngành Nông nghiệp trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 142,3 triệu đồng/ha (năm 2015), đến nay tăng lên 188 triệu đồng/ha. Từ những chủ trương phát triển nông nghiệp đúng hướng, đến nay sản xuất nông nghiệp của huyện Ninh Phước có nhiều chuyển biến rõ nét. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt trên 2.460 tỷ đồng, tăng trên 2 % so với năm 2017; tổng sản lượng lương thực đạt 110.212 tấn/năm, đạt 95,8% kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Đô cho biết thêm: Với những giải pháp cụ thể về sản xuất nông nghiệp, địa phương đã dần khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều sản phẩm đã gắn kết được thị trường. Qua đó, đặt “nền móng” quan trọng để huyện đẩy nhanh tiến trình xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, vận động nhân dân tập trung mọi nguồn lực để khai thác lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiêp công nghệ cao, hướng đến liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm khai thác tiềm năng cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân; hỗ trợ các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa… Qua đó, góp phần đưa nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Tiến Mạnh