Thuận Bắc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 13/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện mạo NTM trên địa bàn huyện Thuận Bắc có nhiều chuyển biến đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, trên cơ sở nguồn phân bổ vốn của tỉnh, UBND huyện kịp thời ban hành các quyết định, bố trí vốn cho các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các tiêu chí NTM. Là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, với quyết tâm nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, huyện triển khai nhiều cách làm sáng tạo, tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh từng vùng, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân đồng tình hưởng ứng tham gia. Ngoài duy trì ổn định diện tích trồng lúa trên 6.500 ha/năm, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, huyện còn hình thành các mô hình trồng mãng cầu dai, trồng cây điều, nha đam, rau màu các loại và xây dựng ổn định 6 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, với quy mô 890ha, phát triển được 10 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3-4 sao; thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn 250ha, mang lại hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 lần. Các mô hình nuôi dê sinh sản, bò thịt vỗ béo, heo đen gắn với phát triển đồng cỏ để phát triển ổn định chăn nuôi. Qua đó, thúc đẩy giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong 3 năm (2021-2023) tăng bình quân hằng năm 20,5%, tăng 4 lần so với nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm trên 4%/năm.

Thi công đường giao thông nội thôn tại xã Phước Chiến (Thuận Bắc).

Một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM ở địa phương, đó là bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp luôn phát huy tốt vai trò vận động cán bộ, hội viên, người dân cùng chung tay góp sức để rút ngắn thời gian hoàn thành các tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Bắc, cho biết: Để chương trình NTM đạt được mục tiêu đề ra, các cấp hội tích cực đổi mới cách thức tuyên truyền, tùy theo khả năng, mỗi hội viên đều có những đóng góp nhất định như tham gia hiến 5.500m2 đất, góp 210 ngày công lao động và 450 triệu đồng tiền mặt để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh trên các tuyến đường. Ngoài ra, hội còn nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu, phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền người dân tích cực tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.

Giai đoạn 2022-2024, toàn huyện Thuận Bắc huy động nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng NTM đạt trên 639,7 tỷ đồng, ưu tiên thực hiện các công trình phục vụ phát triển sản xuất, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa 100%, thu gom rác thải đạt 100%, hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 87%, người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 94,5%... Qua đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, toàn huyện đạt trung bình 17,33 tiêu chí NTM/xã, có 3 xã: Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải đạt chuẩn NTM mới và có 6 thôn đang hoàn thiện các thủ tục để được công nhận thôn NTM.

Đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 16-NQ/TU trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh các phong trào thi đua xây dựng NTM đi vào chiều sâu; duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt và huy động, bố trí, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã, thôn nằm trong kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn NTM...