Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, thông qua việc xây dựng mô hình cánh đồng mía lớn, tưới nước tiết kiệm, đào ao chứa nước, sửa chữa đường nội đồng; hỗ trợ chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng mía tổ chức khảo nghiệm phân, giống và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất mía cho người dân. Xây dựng hoàn thiện quy trình liên kết giữa nhà máy và nông dân, tạo sự liên kết đồng bộ, thống nhất trong khâu tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường. Cùng với đó, trong từng niên vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần (CP) Đường Biên Hòa - Phan Rang xây dựng phương án sản xuất, phân công cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn nông dân từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch.
Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây mía.
Niên vụ mía 2023 - 2024, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang thực hiện ký kết hợp đồng với nông dân trên địa bàn tỉnh trồng mía với diện tích 2.560 ha. Hàng loạt chính sách đầu tư đã được công ty triển khai như hỗ trợ giống sạch bệnh, tưới tiết kiệm, bón phân hữu cơ, máy móc thiết bị cày đất, chính sách bảo hiểm giá, góp phần tăng lợi nhuận cho hộ trồng. Anh Nguyễn Văn Thông, thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), chia sẻ: Nhà tôi hợp đồng với nhà máy đường trồng hơn 2 ha mía, mặc dù sản xuất trong điều kiện nắng hạn, nhưng được ngành chức năng tập huấn và được công ty hỗ trợ cày đất, gel giữ ẩm, cho năng suất mía đạt trên 70 tấn/ha, sau khi trừ chi phí vật tư, chi phí vận chuyển, gia đình có lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Các chính sách để phát triển vùng nguyên liệu và hỗ trợ thiết thực trong thời gian qua đã tạo niềm tin cho nông dân gắn bó hơn với cây mía, thúc đẩy việc liên kết ngày càng chặt chẽ.
Theo ông Lê Vinh Thắng, Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, vụ mía 2023 - 2024, công ty đầu tư 48 tỷ đồng hỗ trợ vốn, vật tư, dịch vụ cơ giới hóa cho các hộ trồng mía, cùng với việc đưa các giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất mía bình quân đạt 66,7 tấn/ha, nâng tổng sản lượng mía ép của công ty đạt hơn 155.000 tấn. Các chính sách đầu tư gia tăng năng suất mía sẽ được công ty duy trì trong những năm tới.
Bà Võ Thị Thủy Tiên, Giám đốc Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, nhìn nhận: Ngành mía đường luôn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trước tác động của diễn biến thị trường, thời tiết khí hậu bất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất. Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, công ty đề ra mục tiêu phát triển diện tích vùng nguyên liệu mía lên 2.700 ha, năng suất đạt 75 tấn/ha. Để mang lại giá trị bền vững cho các bên tham gia, bên cạnh sự nỗ lực của công ty, rất mong ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho ngành mía đường tỉnh nhà phát triển ổn định, lâu dài.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước đề xuất, kiến nghị của Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu cho tỉnh ban hành, bổ sung cơ chế chính sách mới cho sản xuất mía đường trong thời gian tới; xây dựng vùng sản xuất mía tập trung ở huyện Ninh Sơn, Bác Ái gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, đảm bảo thuận lợi cho việc tưới tiêu và vận chuyển nông sản sau thu hoạch…
Hồng Lâm