Đến huyện miền núi Bác Ái, đi dọc tuyến Tỉnh lộ 705, 707, Quốc lộ 27B chúng tôi ghi nhận không khí lao động sôi nổi của người dân trên các cánh đồng trồng lúa, mì, dưa hấu, kiệu... ở các xã: Phước Chính, Phước Đại, Phước Thắng, Phước Tiến, Phước Hòa... Ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính cho biết: Vụ kiệu tết năm nay gia đình tôi xuống giống gần 2ha, nhờ thời tiết trong thời gian qua khá thuận lợi, độ ẩm trong đất cao nên cây kiệu lên đều. Hiện cây kiệu đã được 1,5 tháng, phát triển tốt, gia đình đang tập trung bón phân, phun thuốc cho kiệu đẻ nhánh với kỳ vọng một vụ mùa bội thu.
Tại cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Chính, không khí lao động của bà con cũng diễn ra nhộn nhịp. Qua 4 năm triển khai mô hình giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất tập trung, nhờ đó năng suất và chất lượng hạt lúa được nâng lên rõ rệt qua từng vụ. Gia đình Bà Chamaléa Nhinh ở thôn Suối Rớ xuống giống 3,5sào lúa. Từ lúc gieo sạ đến nay, nhờ thời tiết dịu mát nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Những ngày này, gia đình bà cũng như nhiều bà con trong thôn tích cực ra đồng chăm sóc, bón phân cho cây lúa. Bà Nhinh, cho biết: Bà con sản xuất lúa ở cánh đồng lớn Phước Chính được hưởng lợi nguồn nước của hồ Sông Sắt nên sản xuất thuận lợi hơn những vùng khác. Nhờ xuống giống đồng loạt nên cây lúa ít dịch bệnh, sau 1 tháng gieo sạ, hiện nay bà con đang tập trung bón phân đợt 2 cho cây lúa, hy vọng cuối vụ đạt năng suất cao.
Nông dân huyện Ninh Phước tập trung chăm sóc cây lúa vụ mùa.
Vụ mùa năm nay, căn cứ vào tình hình thực tế và mực nước tại các hồ, đập trên địa bàn, huyện Bác Ái sản xuất 2.630ha cây trồng các loại; trong đó, cây lúa 760ha, cây bắp 1.240ha, cây mì 130ha, rau màu 380ha, cỏ chăn nuôi 120ha. Để sản xuất đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân xuống giống đúng thời vụ và cơ cấu giống theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt chỉ tiêu giao.
Tại các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc... chúng tôi cũng ghi nhận không khí làm việc của bà con rất nhộn nhịp với các hoạt động như: Theo nước, bón phân, làm cỏ... Ông Quảng Đại Tập ở thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), chia sẻ: Vụ mùa năm nay, gia đình xuống giống gần 3ha lúa, hiện tại lúa đã được 1 tháng đang trong giai đoạn đẻ nhánh; tranh thủ thời tiết nắng ráo bà con nông dân đang tập trung bám đồng để bón phân và theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa để có biện pháp chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh kịp thời.
Vụ mùa năm nay, căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3825/KH-UBND về sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng với tổng diện tích 25.323,7ha (gồm lúa 14.234,7ha; màu 11.089ha). Hiện nay các loại cây trồng trong vụ mùa đã được 1 tháng tuổi. Để sản xuất đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện gieo trồng đúng khung lịch thời vụ và cơ cấu giống; chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận tăng cường công tác dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng, hướng dẫn nông dân áp dụng kịp thời các biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận chủ động phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong chuyển đổi cây trồng. UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân biết, tiếp cận; sử dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao để chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ mùa năm 2024 phù hợp với điều kiện tại địa phương...
Kha Hân