Không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, việc quản lý, thu hồi nợ gốc đến kỳ hạn cũng được NHCSXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị luôn chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở để theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng, phân loại đối tượng có khả năng, không có khả năng thu hồi vốn để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp. Nhờ đó, trong 3 tháng đầu năm doanh số thu nợ của đơn vị đạt 170 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng 3 NHCSXH tỉnh còn triển khai cho vay theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với 62 hộ/4,026 tỷ đồng; trong đó, huyện Ninh Sơn có 28 hộ/1,829 tỷ đồng; huyện Thuận Bắc có 1 hộ/60 triệu đồng và huyện Bác Ái 33 hộ/2,137 tỷ đồng, nâng tổng số khách hàng đang còn dư nợ lên 76.435 hộ, tăng 1.605 khách hàng so với cùng kỳ năm trước.
Chị Ca Dá Thị Danh ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái (Ninh Phước)
nhờ vay vốn NHCSXH đầu tư nuôi bò, đến nay chị đã thoát nghèo.
Ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Hiện nay, đơn vị đang triển khai 15 chương trình tín dụng cho vay, trong đó vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác có tổng dư nợ trên 2.113 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ. Trong số này, Hội Phụ nữ chiếm tỷ lệ nhận ủy thác nhiều nhất với 45,9%; Hội Nông dân nhận ủy thác chiếm 25,5%; Đoàn Thanh niên nhận ủy thác chiếm 16,6% và Hội Cựu chiến binh nhận ủy thác chiếm 12%. Để tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, đơn vị đã triển khai 65 điểm giao dịch đặt tại 65 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là xã); phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội quản lý 1.621 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Qua đánh giá chất lượng tín dụng của các địa phương trong quý I cho thấy, có 53 xã xếp loại tốt, tăng 17 xã so với đầu năm; 11 xã xếp loại khá và 1 xã xếp loại trung bình.
Theo quy định, từ ngày 1-3-2019, mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được nâng lên tối đa là 100 triệu đồng/hộ. Nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng kể trên, trong quý I, UBND tỉnh và các địa phương đã cân đối ngân sách ủy thác sang NHCSXH tỉnh tổng số tiền 44,7 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,6 tỷ đồng so với đầu năm và đạt 110% kế hoạch giao. Trong đó, vốn từ ngân sách UBND tỉnh chuyển sang 40,4 tỷ đồng; từ Tỉnh đoàn 400 triệu đồng; vốn từ UBND các huyện, thành phố chuyển sang 3,866 tỷ đồng, gồm: Ninh Phước 501 triệu đồng, Ninh Hải 905 triệu đồng, Ninh Sơn 50 triệu đồng, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm 701 triệu đồng, Thuận Bắc 653 triệu đồng, Thuận Nam 705 triệu đồng và Bác Ái 351 triệu đồng.
Để kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng, nâng cao chất lượng tín dụng, tại cuộc họp đánh giá hoạt động tín dụng quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2019 vừa tổ chức vào giữa tháng 4, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh yêu cầu Ban Đại diện Hội đồng quản trị các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ ủy thác cho vay. Chủ động rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đề ra giải pháp để giải ngân tốt các chương trình cho vay đảm bảo kịp thời, nhất là chương trình đang gặp khó khăn trong công tác giải ngân như cho vay hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc nhở cấp ủy các địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch đã xây dựng; đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ đến hạn để giảm nợ xấu; đẩy mạnh giải pháp huy động nguồn vốn từ dân cư, phấn đấu nâng tổng số hộ vay tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt tỷ lệ từ 98% trở lên. Thực hiện nghiêm túc việc bình xét cho vay; phương án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại các xã có chất lượng tín dụng thấp, thiếu ổn định, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế lãng phí nguồn vốn cho vay, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Văn Thanh