Dọc theo bờ sông Lu, đi qua vùng đất khô hạn thuộc thôn Tuấn Tú, hiện ra trước mắt là những chiếc máy xúc lớn, nhỏ đang nhấc từng khối bê - tông đưa vào chân đập, đoàn xe chở đầy cát mới múc lên từ các bể chứa, kênh lắng, nhộn nhịp vào ra.
Hồ Tân Giang. Ảnh: D.A
Đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình NN&PTNT tỉnh - đơn vị đại diện chủ đầu tư, cho biết: Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 120,8 tỷ đồng, khởi công vào ngày 20-10-2018. Mặc dù địa hình thi công khó khăn, nhưng nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, địa phương đồng hành với doanh nghiệp trong tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nên đảm bảo tiến độ đúng theo kế hoạch.
Đến nay, các hạng mục chính của công trình, như: Đập dâng Tuấn Tú, kênh lắng, trạm bơm, tuyến đường ống dẫn nước vào vùng sản xuất, khối lượng thực hiện ước đạt gần 70%. Trong đó, đáng kể là Công ty TNHH Phú Nghĩa đã hoàn thành phần bê-tông đúc sẵn lát mái kênh lắng và đang tiến hành đào đất kênh lắng 10.000 m3; Công ty Cổ phần Gia Việt đã thi công được 2,2 km tuyến đường điện; Công ty TNHH TM Sơn Long Thuận thi công được 1km tuyến ống chính. Đón đầu cơ hội, huyện Ninh Phước đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng kế hoạch sản xuất ở vùng hưởng lợi, theo hướng chú trọng phát triển cây măng tây xanh để tăng thu nhập cho nông dân tham gia chuỗi giá trị.
Hướng tới chào mừng 27 năm Ngày tái lập tỉnh và 44 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các nhà thầu ở những công trình Đập hạ lưu Sông Dinh, Hồ chứa nước sông Than, Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ huy động nhân lực, thiết bị máy móc, tích cực thi công đẩy nhanh tiến độ. Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Công trình Đập hạ lưu Sông Dinh đang đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Văn Nỷ
Ở cuối nhiệm kỳ 2015-2020, trên địa bàn tỉnh hình thành các dự án thủy lợi lớn, đảm bảo cho sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, cho thấy quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư phát triển. Đơn cử, công trình hồ chứa nước sông Than nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) có tổng mức đầu tư 855 tỷ, được triển khai xây bằng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ tỉnh thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Công trình có thể tích chứa 85 triệu m3, sau khi đưa vào sử dụng cấp nước tưới cho 4.500 ha đất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, có ý nghĩa to lớn trong việc tạo kết cấu hạ tầng trong phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, tạo cảnh quan du lịch.
Công trình cấp nước cho vùng sản xuất rau an toàn tại xã An Hải (Ninh Phước).
Nhìn lại quá trình phát triển mạng lưới thủy lợi từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay đạt được kết quả to lớn. Trước năm 1975, trên địa bàn tỉnh chỉ có hệ thống thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm với nhiệm vụ tưới cho khoảng 10.000 ha, đến nay xây dựng thêm 21 hồ chứa, với tổng dung tích là 194,27 triệu m3, năng lực tưới tăng lên 16.692 ha. Có được thành công trên, phần lớn nhờ vào hoạch định chiến lược của tỉnh trong chú trọng phát triển hệ thống thủy lợi. Hiện nay, tỉnh đã lập Dự án kết nối liên thông bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái - đập Tân Mỹ về các khu tưới phía Bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực suối Ngang hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), nhìn nhận: Việc liên thông các hồ chứa là rất cần thiết, nhằm đưa nước từ vùng có nguồn nước dồi dào về vùng khô hạn, đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững.
Có thể nói, nhờ quan tâm đến công tác thủy lợi, tạo nguồn nước phục sản xuất ở vùng khô hạn của tỉnh, nên ngành Nông nghiệp đã khai thác được tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá trong phát triển những loại cây trồng đặc thù, như: Nho, táo, măng tây xanh… có năng suất và chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Tuấn Anh