Khẳng định giá trị cây nho
Trong những năm qua, ngoài việc chọn tạo các giống nho mới có tiềm năng về năng suất và chất lượng, UBND tỉnh đã phê duyệt các đề tài, dự án nghiên cứu phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại nho. Từ cơ sở 4 giống nho được lưu giữ tại Nha Hố, năm 1994, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện đề tài “Thu thập, nhập nội khảo sát tập đoàn giống nho”, công tác bảo tồn nguồn gen, lai tạo giống nho chính thức được triển khai. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã xây dựng vườn Tập đoàn giống nho, các giống nho ăn tươi và nho phục vụ cho chế biến rượu vang, thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, định kỳ hàng năm có đánh giá, chọn lọc. Thành công của đề tài “Phục tráng giống nho đỏ Red cardinal tại Ninh Thuận” đã phát huy nhiều đặc tính nổi trội như tính ổn định về năng suất, tăng khối lượng quả, chùm và mật độ chùm nho. Tiếp đó, năm 2000 Viện nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chọn lọc được giống nho ăn tươi NH01-48 phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và điều kiện khí đậu, đất đai của tỉnh Ninh Thuận, để từ đó đưa giống nho NH01-48 trở thành giống nho chủ lực của tỉnh, gắn với các thương hiệu nho an toàn như Ba Mọi, Ninh Phú, đưa nho Ninh Thuận thâm nhập vào thị trường tiêu thụ ngoài tỉnh, đến các siêu thị lớn.
Nông dân ứng dụng phát triển giống nho mới NH 01-152 cho
chất lượng sản phẩm vượt trội, giá trị kinh tế cao.
Một trong những giống nho đang được thị trường ưa chuộng với nhiều ưu thế nổi trội cho năng suất cao đó là giống NH01-152 với trọng lượng quả và chùm lớn hơn hẳn NH01-48, khả năng đậu quả cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, màu sắc đẹp hương thơm. Năm 2013 - 2016 giống này được trồng thử nghiệm trên một số hộ nông dân với quy mô 1 ha thông qua đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH 01-152 theo hướng VIETGAP”. Tính đến đầu năm 2019, diện tích nho NH01-152 đã lên xấp xỉ 5 ha.
Sau thời gian dài nghiên cứu, cây nho với xuất phát điểm từ một cây trồng cho năng suất thấp và không ổn định với một vài giống quả nhỏ, vỏ mỏng khó vận chuyển đi xa. Hiện nay tập đoàn giống do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố lưu giữ lên đến 176 giống, cơ cấu giống sản xuất cũng đa dạng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng, có nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài Red Cardinal, một số giống nho ăn tươi và chế biến rượu vang như NH01-48, Black Queen, Shiraz và hứa hẹn là giống NH01-152. Năng suất nho cũng được tăng lên đáng kể, canh tác đúng kỹ thuật năng suất đạt từ 22 – 25 tấn/ha. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, có thể cho năng suất lên đến 30 tấn/ha. Qua phục tráng và chọn tạo giống, chất lượng nho cũng thay đổi, từ chỗ chỉ nặng trung bình từ 2-3g/quả, nay trọng lượng quả đã tăng gấp đôi, vỏ quả dày, dễ vận chuyển, độ đường cao, màu sắc hấp dẫn không thua kém nho nhập nội.
Cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phát triển cây nho
Khoa học và Công nghệ đã đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển nghề trồng nho của tỉnh nhà. Tuy vậy, công tác nghiên cứu khoa học trên cây nho mới chỉ giải quyết được một phần các yêu cầu của thực tiễn sản xuất, hiện nay còn rất nhiều vấn đề cần phải được đầu tư nghiên cứu như dinh dưỡng và phòng trừ dịch hại. Là địa phương có điều kiện đất đai và khí hậu khô nóng, thích hợp cho cây nho sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao, nhưng sản xuất nho trong thực tế còn tồn tại nhiều vấn đề như kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Mặt khác, cây nho đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, vốn lớn, nhưng lại dễ bị hư hại do thời tiết nên phát triển chưa bền vững. Hiện nay, phổ biến trong sản xuất nho ở Ninh Thuận là 2 giống: Red Cardinal diện tích chiếm 94,2% và NH01-48 chiếm 4,9%, ngoài ra có trồng 2 giống nho rượu với diện tích rất nhỏ là Shiraz 0,47% và Cabernet Sauvignon cùng với 1 giống nho ăn tươi Black Queen chiếm 0,05%. Nếu không có những giải pháp, nhất là giải pháp khoa học công nghệ phù hợp thì cây nho còn đối diện với nhiều thách thức để nâng cao giá trị.
Để thực hiện thành công mục tiêu “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao” theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Thuận tại Nghị quyết số 05- NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đồng thời để cây nho trở thành cây trồng chủ lực, đủ sản lượng để cung cấp cho nhu cầu trong nước và tiến đến xuất khẩu cần đầu tư nghiên cứu có hệ thống, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ di truyền trong công tác chọn tạo giống giúp cho các nhà chọn giống sử dụng có hiệu quả nguồn gen cây nho trong công tác chọn tạo giống mới phục vụ cho chế biến rượu vang. Công tác phòng trừ sâu bệnh hại cũng cần được quan tâm đúng mức, thực hành nông nghiệp công nghệ cao để ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi cho cây nho; đẩy mạnh phát triển công nghệ sau thu hoạch đối với sản phẩm nho, mở rộng diện tích nho theo đúng quy hoạch của tỉnh.
Anh Tuấn