Theo đó, Kế hoạch đề ra một số mục tiêu cần thực hiện như: Mỗi năm thành lập mới 11 hợp tác xã (HTX). Hạn chế việc thành lập nhiều hơn 1 HTX hoạt động cùng chuỗi giá trị trên cùng một xã và 100% các HTX thành lập mới thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định.
Các HTX liên kết tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Ảnh: Văn Nỷ
Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 74 HTX hoạt động hiệu quả (xếp loại từ trung bình trở lên) trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động tốt đạt ít nhất 25%, tỉ lệ HTX nông nghiệp hoạt động khá đạt ít nhất 35%, giảm tỷ lệ yếu kém xuống dưới 5%; mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có ít nhất 1 HTX, có quy mô lớn, tổ chức đúng bản chất theo quy định của Luật HTX năm 2012, hoạt động hiệu quả tạo ra thu nhập liên tục trong 2 năm tài chính và có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 mô hình HTX kiểu mới, có quy mô liên xã, hoạt động có hiệu quả, trở thành mô hình điển hình tiên tiến vững mạnh trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo lực kéo cho các HTX khác và nhân rộng; thành lập 1 liên HTX nông nghiệp với số lượng thành viên ban đầu ít nhất là 3 HTX để cung cấp dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp; thành lập một mạng lưới liên kết các HTX và tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn (nho, táo, măng tây xanh, chuối, dê, cừu, dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc, nước mắm Cà Ná...) để hình thành tuyến du lịch dựa vào cộng đồng nhằm gia tăng giá trị thông qua quảng bá và tiêu thụ các đặc sản của tỉnh
Bên cạnh đó, rà soát và củng cố công tác chứng nhận pháp lý của các tổ hợp tác hiện tại. Thành lập tổ hợp tác mới trên tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật để làm nền tảng phát triển HTX bền vững.
B.H