Huyện Bác Ái có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 13.450 ha, trong đó, phần lớn không chủ động nước tưới, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, coi đó là giải pháp hữu hiệu, chỉ đạo tập trung thực hiện. Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, năm 2011, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, tập trung xây dựng các mô hình hiệu quả, vận động nông dân đổi mới cách làm kinh tế, tích cực chuyển các loại cây trồng truyền thống sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, gắn với thị trường tiêu thụ để mở rộng quy mô sản xuất. Trên cơ sở đó, tiến hành rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân. Nhờ đó, nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả, thiếu nước được nông dân chuyển sang cây trồng chịu hạn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân huyện Bác Ái mở rộng diện tích trồng bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.M
Hiện nay, ngoài 1.300 ha lúa ở những vùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, hồ Trà Co, hồ Phước Trung, huyện đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng bắp hơn 795 ha, mỳ 1.242 ha, mía 325ha, đậu các loại 1.000 ha. Ngoài chuyển đổi một số cây trồng ngắn ngày, trên địa bàn huyện còn hình thành vùng trồng cây ăn quả quy mô tập trung, với 1.110 ha bưởi da xanh, mít, sầu riêng, mang lại thu nhập đáng kể cho các nông hộ. Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều vùng đất hoang hóa trước đây nay trở nên trù phú, hình thành những cánh đồng sản suất ổn định. Đơn cử, xã Phước Thành, nhận thấy cây mỳ phù hợp với đồng đất ở địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển cây trồng kém hiệu quả sang trồng mỳ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Chamaléa Hắm, thôn Suối Rớ, cho biết: Tôi có 8 sào đất rẫy trước đây trồng đậu, bắp địa phương, hiệu quả kinh tế thấp, có vụ phải ngưng sản xuất do nắng hạn. Được cán bộ nông nghiệp xã vận động, gia đình đã cải tạo đất, chuyển sang trồng mỳ cao sản, cho năng suất khá, nhờ đó có thu nhập ổn định hơn. Chị Đặng Lê Vỹ Hoài, cán bộ nông nghiệp xã Phước Thành, cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của UBND huyện, xã tập trung vận động nông dân mạnh dạn chuyển đất lúa thiếu nước sang canh tác các loại cây trồng cạn như mỳ, đu đủ, xoài úc, mít, bưởi da xanh, với tổng diện tích 31 ha.
Nông dân xã Phước Trung chăm sóc cây đậu xanh. Ảnh: V.M
Việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian qua của huyện Bác Ái không chỉ biến những vùng đất thường xuyên thiếu nước, hoang hóa trước đây trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định, mà còn giúp nông dân tiếp cận được các hình thức sản xuất mới, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Đồng chí Ngô Thanh Lâm, cho biết thêm: Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả và bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên thiếu nước tưới chuyển sang trồng các cây chịu hạn, cây ăn quả, nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung chỉ đạo triển khai Đề án thí điểm mô hình chuyển đổi tiết kiệm nước, có hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững tại khu vực hồ Phước Nhơn, từ đó nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Tổ chức hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng từng khu vực; xây dựng các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tiến Mạnh