Tôi còn nhớ, cách đây mươi năm, khi về Tuấn Tú, người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, cuộc sống chủ yếu nhờ vào 60 ha lúa và gần 150 ha hoa màu trồng hành, dưa, củ cải trắng, đậu xanh, đậu phộng.. cho thu nhập hết sức bấp bênh vì không chủ động nước tưới. Thanh niên phần đông làm thuê ở các đìa tôm, số còn lại thì vào các tỉnh, thành phố lao động thuê để kiếm sống. Số chị em trẻ tuổi thì đi làm thuê giúp việc nhà trên phố; trong làng chỉ lác đác vài ngôi nhà xây…. Nhưng hôm nay khi trở lại Tuấn Tú, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước sự đổi mới của một vùng quê. Cảnh nghèo khó, trống vắng năm xưa giờ đã đổi thay bởi nhiều ngôi nhà xây đẹp mắt. Ngay đầu thôn nào là chợ, quán giải khát, tiệm tạp hóa, cửa hàng dịch vụ.... quang cảnh sinh hoạt, mua bán hết sức nhộn nhịp, tấp nập không khác gì một thị tứ. Theo Trưởng thôn Từ Công Ý, sự đổi thay của Tuấn Tú hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ từ cây MTX. Anh vui mừng cho biết, kể từ khi du nhập đến Tuấn Tú, MTX ngày càng được nông dân mở rộng diện tích và là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, đổi đời.
Nhiều hộ dân ở Tuấn Tú phát triển diện tích măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo nhiều nông hộ, người đầu tiên đưa MTX về làng chính là ông Hùng Ky và hiện nay là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Tú chuyên sản xuất và thu mua sản phẩm MTX tại địa phương. HTX được thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ có 13 thành viên đóng góp cổ phần, đến nay đã mở rộng lên 51 hộ thành viên. Qua con số thống kê, đến nay HTX đã phát triển trồng trên 50 ha MTX và hướng đến tiếp tục mở rộng thêm 40 ha, để đạt bình quân mỗi hộ trong thôn canh tác 2 sào MTX. Trồng MTX chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu khoảng 45-50 triệu đồng/sào từ tiền mua cây giống và đầu tư bắt hệ thống tự động tưới nước phun mưa. Từ khi xuống giống ươm, chỉ sau 9 tháng là MTX cho thu hoạch lần đầu và cứ thế thu hoạch liên tục trong 9 tháng/năm, năng suất bình quân 10kg/sào/ngày. Với giá thu mua hiện nay khoảng 50.000 đồng/kg, người trồng có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/sào/tháng…Trong thôn có hộ ông Từ Công Hay, trước đây là hộ nghèo, nhờ trồng 5 sào MTX mà vươn lên thoát nghèo, nuôi 4 con ăn học thành đạt có việc làm ổn định; ông Châu Thành Ben cũng trồng 5 sào MTX nuôi 6 người con thành đạt, xây dựng cơ ngơi nhà ở bề thế; ông Hùng Ky trồng 1,6 ha MTX, sau khi trừ chi phí hằng năm còn lãi trên 1 tỷ đồng…Với khí thế vươn lên thoát nghèo từ MTX, Trưởng thôn Từ Công Ý hớn hở nói: Thôn của chúng tôi hiện có 512 hộ dân, khoảng 2.750 nhân khẩu, đến nay trên 60% số hộ có mức sống trên trung bình đến khá giàu nhờ vào MTX, đến cuối năm 2018 trong thôn chỉ còn khoảng 30 hộ nghèo và trong năm 2019 số hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm trên 10 hộ… Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng thay đổi. Số hộ có nhà xây mới ngày càng nhiều, chỉ riêng trong năm 2018 đã có trên 30 hộ xây nhà mới, bình quân từ 300-500 triệu đồng/nhà; 100% số hộ được bắt nước sinh hoạt vào đến nhà; 100 số hộ đều có xe máy, ti vi, trang thiết bị sinh hoạt đầy đủ và trong thôn đã có hộ sắm ô tô con để giao thiệp, làm ăn...
Chia tay Tuấn Tú, một tin vui từ Trưởng thôn Từ Công Ý khiến chúng tôi hết sức phấn khởi, đó là, hiện nay thanh niên không còn đi làm thuê xa đã tập trung về làng cùng chăm sóc MTX cho thu nhập cao; chị em không còn làm thuê giúp việc nhà ở phố nữa mà đã về làng, sáng sớm ra đồng thu hoạch MTX và làm dịch vụ thu mua sản phẩm cho HTX, tạo việc làm ổn định, cuộc sống sung túc…Và không lâu nữa khi công trình hệ thống nước tưới phục vụ sản xuất rau an toàn được Chính phủ hỗ trợ phục vụ trên 300 ha của xã An Hải; công trình chợ đầu mối nông sản được xây dựng tại thôn hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo đà đưa Tuấn Tú cất cánh bay xa, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trù phú, với sản phẩm MTX đặc thù được nhiều nơi biết đến. Cuộc sống người dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ MTX.
Nhật Nguyên