Nếu như trước đây, mỗi khi nói về nghề nho, người ta nghĩ ngay đến ông Nguyễn Văn Mọi ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) - nông dân đi đầu thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thì nay xuất hiện thêm nhiều tên tuổi trứ danh. Điều đặc biệt của những nông dân thời 4.0 là biết khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất nắng gió để phát triển sản xuất, tạo sự khác biệt. Bằng nỗ lực vượt khó vươn lên, nông dân Đào Mạnh Tiệp ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) đã chuyển 3 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng nho xanh NH 01-48, áp dụng quy trình sản xuất sạch, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/sào/năm. Chuyện anh Tiệp trồng nho thành công trên vùng “đất khát” đã khuyến khích nhiều hộ trong vùng làm theo, phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cây trồng cạn vì thế lan tỏa rộng khắp, biến thôn Thành Sơn thành “thủ phủ nho xanh” của tỉnh, quy mô diện tích khoảng 130 ha.
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây nho.Ảnh: Phan Bình
Nông dân thời hội nhập theo đuổi ước mơ làm nông nghiệp công nghệ cao, không bằng lòng với những gì đạt được, luôn có khát vọng, hoài bão mở rộng sản xuất, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị sản phẩm. Những ngày cuối tháng 4, về xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), nơi vùng đất khô hạn khi xưa, giờ đã phủ xanh những giàn nho trĩu quả. Anh Lê Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải, lý giải về sự đổi thay nhanh chóng ở địa phương đó là nhờ có sự hỗ trợ của ngành chức năng trong chuyển giao giống mới, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, đào ao tích nước tưới cho cây trồng. Nhờ tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, mà diện tích cây nho không ngừng tăng và trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Tổng diện tích nho hiện nay của xã Vĩnh Hải đạt 154 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Thái An, 148 ha. Dù nghề trồng nho ở đây “sinh sau” so với một số nơi khác, nhưng bà con biết “đón đầu” bứt phá vươn lên bằng việc chú trọng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Anh Phạm Văn Hùng, ở thôn Thái An, thổ lộ: Những năm gần đây hạn hán xảy ra liên tục và ngày càng gay gắt, thiếu nước trầm trọng, trong thôn nhiều hộ sử dụng phương pháp tưới phun mưa giảm công lao động, tiết kiệm được 50% lượng nước so với phương pháp tưới xả tràn, nên tôi học hỏi áp dụng làm theo. Không riêng anh Hùng, 95% hộ trồng nho trên địa bàn áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất, nhiều hộ còn phát triển mô hình trồng nho gắn với du lịch sinh thái vườn, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, tạo thêm nguồn thu nhập.
Đông đảo du khách tham quan và mua Nho tại vườn ở Thái An (Ninh Hải). Ảnh: Văn Nỷ
Về Ninh Thuận trong dịp Lễ hội Nho và Vang, du khách đi đến đâu cũng thấy những giàn nho mang sắc thái riêng của từng vùng đất. Cũng nhờ vào chịu khó tìm tòi, học hỏi, tiếp thu kiến thức khoa học của nông dân, nơi thị trấn ven biển Khánh Hải (Ninh Hải) vẫn có vùng trồng nho tập trung quanh năm tươi tốt. Nho ở đây không những được trồng ở các khu đất bằng phẳng, mà còn len lỏi trên triền núi, địa hình nhấp nhô, từ xa nhìn thấy rõ những giàn nho trải dài, tít mắt. Để có những chùm nho đẹp, trái đều, nông dân cần mẫn chăm sóc kỹ lưỡng, khi nho vừa mới ra bông, sáng sớm bà con đã ra vườn tưới phun sương để cho các bông đều khai nụ, đậu trái. Đến khi chùm nho đang kỳ phát triển, hộ trồng dùng kéo tỉa bớt những trái nhỏ, vì thế khi vào vụ thu hoạch trăm trái căng đều, màu đỏ sẫm, hương vị chua ngọt hài hòa đặc trưng. Hướng tới phát triển bền vững, 107 hộ trồng nho ở thị trấn thành lập 11 tổ sản xuất tập trung theo quy mô hàng hóa, cam kết thực hiện quy trình sản xuất sạch, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Chọn du lịch sinh thái để nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông nghiệp là hướng đi mới của các hộ trồng nho thời hội nhập. Với những cách làm sáng tạo của nông dân, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá thúc đẩy nghề trồng nho phát triển lên tầm cao hơn trong thời gian tới.
Anh Tùng