Ninh Sơn tập trung phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được huyện Ninh Sơn triển khai kịp thời, phù hợp, sát thực với đời sống từng địa phương, giúp DTTS ở Ninh Sơn ổn định kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần hiệu quả trong công tác giảm nghèo của huyện.

Đồng chí Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Toàn huyện hiện có 22.451 người là đồng bào DTTS, chiếm 22,55% dân số huyện, chủ yếu là dân tộc Raglai, Chăm, K’Ho, Nùng. Để giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp, tập trung giải quyết căn bản những vấn đề thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững... Trong đó, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, đã tích hợp 118 chính sách dân tộc trong các giai đoạn trước cùng với chính sách mới xây dựng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, với tính bao phủ toàn diện các lĩnh vực, chương trình đang bước đầu tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, với nguồn vốn được phân bổ hơn 66 tỷ đồng, huyện đầu tư, triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình nhằm giúp người dân giải quyết các nhu cầu khó khăn thiết yếu trong đời sống, ổn định cuộc sống.

Vườn táo của gia đình anh Chướng Xây Bẩu, thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn).

Xã Ma Nới là vùng đặc biệt khó khăn, đa số đồng bào DTTS sinh sống. Do đó, để cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, Huyện ủy, UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư cho xã Ma Nới, nhất là công tác giảm nghèo. Theo đó, đã và đang triển khai thực hiện 3 dự án gồm: Nuôi bò cái sinh sản; Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ giai đoạn 2023-2024 trên địa bàn xã và Dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chăn nuôi bò cái sinh sản tại thôn Hà Dài, với tổng nguồn vốn sự nghiệp trên 3,1 tỷ đồng để giúp đồng bào DTTS phát triển sinh kế. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 8,14%, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân nơi đây được đầu tư, thu nhập được cải thiện.

Là một trong 150 hộ hưởng lợi từ Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ giai đoạn 2023-2024, anh Ma Nhông Hải, thôn Tà Nôi (xã Ma Nới) cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập từ nương rẫy không ổn định vì nuôi, trồng kém hiệu quả. Từ khi được chính quyền hỗ trợ tham gia dự án liên kết trồng điều, tôi được Công ty Nông nghiệp Truecoop Eco cấp phát cây giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, nên rất yên tâm sản xuất.

Không chỉ riêng dự án trồng điều ở xã Ma Nới, các dự án khác như trồng táo, bắp theo chuỗi giá trị ở xã Mỹ Sơn, liên kết nuôi bò sinh sản ở Hòa Sơn, Nhơn Sơn,... phát huy hiệu quả tích cực giúp cải thiện, nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào nơi đây. Anh Chướng Xây Bẩu, thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn) phấn khởi: Trong thực hiện liên kết trồng táo, tôi và nhiều hộ dân khác trong thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà màng, hệ thống tưới nước tiết kiệm. Hợp tác xã làm đầu mối cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng theo quy trình sản xuất... nên năng suất táo đạt cao, mặt khác, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cả ổn định, không lo về đầu ra, nên gia đình yên tâm sản xuất. Từ đó tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, cuộc sống của gia đình đã khá lên rất nhiều.

Bên cạnh các dự án tạo sinh kế, giúp đồng bào liên kết sản xuất, huyện còn tập trung các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2019-2023, thông qua vốn tín dụng chính sách xã hội tại vùng DTTS&MN đã giúp cho 3.351 hộ vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm. Cùng với đó, tăng cường huy động tối đa các nguồn lực từ các cấp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện. Nhìn chung, bên cạnh trợ lực từ nguồn vốn chính sách thông qua các chương trình, dự án, cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN huyện Ninh Sơn đã có sự chuyển biến rõ nét, mức sống của người dân dần được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Tính đến tháng 6/2024, vùng đồng bào DTTS còn 536 hộ nghèo và 407 hộ cận nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên toàn huyện hiện chỉ còn 4,3%, bình quân mỗi năm giảm 4,5% (giai đoạn 2019-2013).

Phát huy các kết quả đạt được, thời gian đến, huyện Ninh Sơn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và chương trình MTQG nói riêng; tiếp tục phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, phù hợp điều kiện của từng địa phương; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lao động là người DTTS, thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giảm nghèo có hiệu quả trong đồng bào DTTS... nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào DTTS ở các địa phương.