Trong số 6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 0,36%; tiếp đến nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhóm giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,02%.
Phân tích của Cục Thống kê cho thấy, nguyên nhân làm chỉ số giá các nhóm tiêu dùng kể trên tăng chủ yếu là do mức lương cơ sở mới tăng kéo theo các chi phí dịch vụ đi kèm tăng như: Giá nhà ở thuê tăng 1,88%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,14%; giá gas tăng 0,63%. Các mặt hàng thiết bị khác như: Quạt điện tăng 0,43%; bàn ghế, sa lông tăng 0,62%; chăn, màn, gối tăng 1,03%; xà phòng giặt tăng 0,22%; xà phòng tắm tăng 0,27%. Bên cạnh đó, do nguyên liệu đầu vào đối với ngành sản xuất đồ uống tăng, tác động làm giá bia, rượu tăng, trong đó, mặt hàng bia lon tăng 0,74% nâng mức nhóm bia các loại tăng 0,37%...
Các doanh nghiệp mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm để người dân ở huyện Bác Ái tiêu dùng. Ảnh: Văn Nỷ
Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có giá giảm gồm: Nhóm giao thông giảm 2,04%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08%. Nguyên nhân giá gạo giảm nhẹ do đang vào vụ thu hoạch lúa hè - thu, nguồn cung gạo ở địa phương dồi dào. Giá mặt hàng thịt heo giảm do rơi vào tháng 7 âm lịch (theo quan niệm dân gian gọi là mùa Vu Lan hay tháng ăn chay của nhiều người) nên nguồn tiêu thụ thịt heo chậm. Mặt khác, do thời tiết có mưa rải rác nên nhu cầu tiêu thụ điện và nước sinh hoạt của hộ gia đình giảm. Trong tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh với 3 lần giảm và 1 lần tăng, góp phần làm giá nhiên liệu giảm 5,43% so tháng trước.
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không tăng không giảm gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch. Kết quả trên đã tác động làm CPI bình quân chung 8 tháng năm 2024 tăng 4,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.
Linh Giang