Thuận Nam bứt phá vươn lên

(NTO) Trở lại Thuận Nam vào những ngày đầu tháng Tư lịch sử, dọc theo tuyến đường ven biển là những công trình, dự án lớn tầm cở quốc gia đã và đang dần hình thành. Ký ức về vùng đất nắng cát hoang sơ, cách trở, tan biến nhờ cảnh sắc có nhiều thay đổi. Kể từ khi giao thông mở rộng, dòng khách du lịch đến huyện Thuận Nam anh hùng thưởng ngoạn vẻ đẹp của vùng biển nơi đây ngày một đông hơn, tạo đà phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau 44 năm giải phóng Ninh Thuận, nhất là sau 27 năm tái lập tỉnh, Thuận Nam có bước chuyển mình nhờ chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, tạo bước đột phá mới. Điểm sáng trong điều hành, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đó là tổ chức triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh có hiệu quả, nhất là Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Với tinh thần cầu thị, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lợi thế, Thuận Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Biển Cà Ná (Thuận Nam) điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: Duy Anh

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân, Thuận Nam đã biến “cái không thể thành có thể”. Ngày nay, ít ai nghĩ rằng trên những vùng đất khô cằn ở vùng “cửa ngõ” phái Nam của tỉnh lại có những công trình, dự án trọng điểm, tạo năng lực mới, đóng góp lớn vào thu ngân sách của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Lĩnh vực “công nghiệp không khói” đáng kể nhất mà Thuận Nam đạt được là hình thành Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoni ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, khơi dậy trí tò mò của du khách trong nước và quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng. Trong khuôn viên Khu du lịch có làng Mông Cổ độc đáo nằm trên thảo nguyên, gần ngọn Hải đăng Mũi Dinh được Pháp xây dựng vào năm 1904. Đối với phát triển năng lượng tái tạo, Thuận Nam cũng gặt hái được nhiều thành công. Ngoài Nhà máy Điện gió Mũi Dinh đã hòa lưới điện quốc gia vào đầu năm 2019, trong tháng tư này, bà con địa phương huân hoan chứng kiến dự án Nhà máy Điện mặt trời BIM 1, BIM 2 và BIM 3 ở xã Phước Minh, quy mô lớn nhất Đông Nam Á của Công ty Cổ phần Năng lượng BIM đi vào hoạt động. Còn nhiều dự án khác đã và đang được xây dựng trên địa bàn, tạo động lực phát triển cho vùng đất “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh.

Điện gió Mũi Dinh hòa vào lưới điện quốc gia đóng góp
tích cực vào sự phát triển của huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ

Thuận Nam ngày nay thực sự đã bứt phá vươn lên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết bài toán việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nguồn thu ngân sách ổn định, hạ tầng giao thông được nâng cấp, đó là những “trái ngọt” mà huyện nhà đạt được từ nỗ lực vượt khó trong hành trình phát triển. Với việc xác định hướng đi đúng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sản xuất công nghiệp của huyện đang từng ngày khởi sắc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã biết đến và chọn Thuận Nam để đầu tư vào các ngành lợi thế. Theo đánh giá của ngành chức năng, thế mạnh lớn nhất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đó là năng lượng tái tạo, du lịch biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, với việc hình thành các Nhà máy điện mặt trời, điện gió, đã tạo bước đệm cho huyện tiếp tục triển khai siêu dự án Điện khí LNG Cà Ná, với mức đầu tư gần 8 tỷ USD.

Ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) khai thác cá cơm đạt sản lượng cao. Ảnh: V.M

Thuận Nam đang đón nhận sự quan tâm và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hiện nay, huyện đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển công nghiệp. Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Trong tiến trình phát triển, huyện coi công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở để định hướng cho ngành công nghiệp hoạt động theo hướng bền vững, qua đó tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đồng thời, hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Việc tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch đáp nguyện vọng, ý chí phát triển công nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Có thể khẳng định, sự khởi sắc của công nghiệp huyện Thuận Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng trên con đường phát triển nền công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, đặt ra trọng trách to lớn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương là phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tích cực phối hợp với ngành chức năng trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đào tạo nghề cho thanh niên gia nhập vào “sân chơi” mới, làm chủ công nghệ tiến tiến, nhất là công nghệ ở lĩnh vực năng lượng tái tạo.