Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới

Năm 2024, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong đó có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố phía Nam; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc… mặc dù vậy ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức để đẩy mạnh sản xuất phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất.

 Nhằm nhìn lại một năm 2024 nhiều sóng gió với tác động của thiên tai, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức của nông lâm thủy sản Việt trong năm 2025 ngày 19/12, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới".

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản cao kỷ lục

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD , tăng 53,1%.

Đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa, tổ yến…

Nói về những thành tích nổi bật của ngành trong năm qua, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Có thể nói con số tổng kết 11 tháng của xuất khẩu nông lâm thủy sản khá bất ngờ, chỉ tính 11 tháng riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt cả năm 2023 tới 1 tỷ USD, rất ấn tượng. Con số tổng kết kim ngạch xuất khẩu rau quả cách đây 2 năm chỉ là 3,4 tỷ USD, đến nay con số này đã tăng gấp đôi. Điều đó phản ánh cả quá trình phát triển và mở cửa thị trường chứ không chỉ kết quả trong một hay hai năm.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Có thể nói con số tổng kết 11 tháng của xuất khẩu nông lâm thủy sản khá bất ngờ, chỉ tính 11 tháng riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt cả năm 2023 tới 1 tỷ USD.

“Chúng ta mất trung bình từ 3-5 năm để đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm. Với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật thì thời gian đòi hỏi kéo dài hơn, thí dụ như sầu riêng, để có thể tăng trưởng ấn tượng như hôm nay thì thời gian đàm phán mở thị trường mất rất nhiều. Từ những năm 2016, 2017 chúng ta đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật và qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới có được kết quả như ngày nay” ông Hiếu chia sẻ.

Theo Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, xuất khẩu nông sản có kết quả thế này ngoài vai trò đóng góp của các sản phẩm thì có đóng góp lớn từ năng lực của cơ quan chuyên môn, có cả yếu tố quan trọng nữa là nhận thức của các đơn vị sản xuất, xuất khẩu đã tuân thủ các quy định trong vai trò duy trì và mở rộng thị trường. “Chúng tôi hy vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới”, ông Hiếu chia sẻ.

Những khó khăn thách thức

Dù đạt được nhiều kết quả trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nhưng năm 2024 các thị trường xuất khẩu cũng liên tục có những thông báo thay đổi các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật trong nhập khẩu nông lâm thủy sản.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho hay: Chúng ta rất tự hào về nông nghiệp của Việt Nam, tuy nhiên để vào được các thị trường khó tính là cả một vấn đề và quá trình nỗ lực. Chúng ta muốn xuất khẩu được không chỉ dựa vào số lượng, chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng được theo các quy định của các thị trường. Có sản phẩm, chúng ta phải mất nhiều năm đàm phán và nỗ lực của nhiều đơn vị để đạt được được các quy định của thị trường mới mở cửa, xuất khẩu được sản phẩm.

Theo ông Nam tình hình xuất khẩu trong năm 2024, cũng như nhiều năm trước, được đánh giá là xu thế chung của thế giới. Hầu hết thành viên của WTO cũng như thị trường khác đưa ra nhiều quy định trong nhập khẩu sản phẩm. Không phải quy định nào cũng nghiêm ngặt, hoặc có nước cũng nới lỏng quy định... Nhưng làm sao để tiếp cận được các quy định về an toàn thực phẩm, đây là điều bắt buộc. Chính vì thế WTO đã thành lập cả một ủy ban về an toàn thực phẩm.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS khẳng định: Trong năm 2024 các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân 1 ngày văn phòng SPS phải ra 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang.

Theo thống kê của Văn phòng SPS, trong năm 2024 các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân 1 ngày văn phòng SPS phải ra 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang. Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với các sản phẩm khác, như thanh long, cà phê... đều khác.

Trước thay đổi đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định để chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành, địa phương thực hiện ngay để đảm bảo đúng theo các quy định đưa sản phẩm xuất khẩu thuận lợi. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định 2998 (Quyết định 2998/QĐ-BNN-CCPT Kế hoạch triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Đề án SPS), đến nay hầu hết các địa phương đã vào cuộc kịp thời.

“Dù thay đổi thị trường như vậy nhưng chúng ta đã vào cuộc kịp thời. Hầu hết các doanh nghiệp, nông dân đều đáp ứng được, chỉ có một số ít còn chưa tiếp cận, chưa nhận thức hết được nhưng đây là "con sâu làm giàu nồi canh", chúng ta cần phải tuyên truyền, tiếp tục vận động và yêu cầu các trường hợp này thay đổi để đáp ứng được các quy định trong sản xuất, xuất khẩu”, ông Nam nhấn mạnh.

Kỳ vọng năm 2025

Tại tọa đàm nói về cơ hội trong năm 2025 để nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, các nhà quản lý, chuyên gia đều chung nhận định: Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn.

Ông Ngô Xuân Nam bày tỏ lo lắng khi Văn phòng SPS thường xuyên nhận được những cảnh báo.

Năm 2025 có nhiều cơ hội và thách thức trong việc nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Theo ông Nam chúng ta đã đạt kỷ lục về xuất khẩu nhưng cũng cần có sự đột phá về chất lượng để phát triển bền vững.

"Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau. Đặc biệt, người nông dân - lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng. Về xu thế trong thời gian tới, hiện nay chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp SPS khu vực ASEAN, SPS với Trung Quốc, SPS với Canada…” ông Nam nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hầu hết các nội dung SPS ngày càng nâng cao, câu chuyện an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng nâng cao về chất lượng. Đây sẽ là xu thế tất yếu của thế giới.

“Hai chuyến tàu phải chạy song song với nhau, không thể khác được. Hy vọng năm 2025, xuất khẩu sẽ có nhiều cái mới nhưng quan trọng nhất là phải lập được kỷ lục về chất lượng”, ông Nam chia sẻ.

Theo nhandan.vn