Những năm gần đây, huyện Ninh Phước đã tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tiểu-thủ công nghiệp như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và được coi là động lực phát triển kinh tế của địa phương. Huyện Ninh Phước đã thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực, tập trung phát triển những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Đặc biệt là ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch của địa phương.
Nghệ nhân làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân
miệt mài sản xuất cho ra các sản phẩm đẹp phục vụ khách du lịch.
Về làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang như nhà trưng bày sản phẩm làm từ gốm, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, vỉa hè… với sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đã giúp cho làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc được cải thiện đáng kể về giao thông và cảnh quan làng nghề, mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cũng như phát triển du lịch cho địa phương.
Nghệ nhân Đàng Thị Phan chế tác sản phẩm làm từ gốm.
Hiện nay, làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc có 1 HTX, 2 Công ty TNHH, 9 cơ sở sản xuất, với 150 hộ dân có đến 500 lao động tham gia làm nghề, đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và có thu nhập ổn định cho người dân. Đến thăm cơ sở sản xuất gốm của nghệ nhân Đàng Thị Phan, thị trấn Phước Dân, chúng tôi được mục sở thị bàn tay khéo léo của nghệ nhân làm gốm, họ có thể tạo ra nhiều họa tiết, từ đơn giản cho đến phức tạp, bằng những dụng cụ rất đơn giản. Nghệ nhân Đàng Thị Phan, chia sẻ: để bắt kịp xu hướng mới nhưng không làm mất nét đặc trưng của gốm Bàu Trúc, tôi đã đa dạng hóa sản phẩm từ gia dụng truyền thống chuyển sang làm một số đồ mỹ nghệ như đèn trang trí, đèn treo tường... nhằm phục vụ cho các khu du lịch trong và ngoài tỉnh.
Cũng như làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân) đã được hỗ trợ với kinh phí 23 tỷ đồng để sửa chữa các hạng mục đường bê tông, nhà trưng bày, cổng làng nghề…nay đã khang trang, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho người dân tại đây. Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp hiện có 1 HTX, 22 cơ sở sản xuất, 480 hộ với 900 lao động tham gia sản xuất, cho doanh thu hàng năm trên 15 tỷ đồng.
Du khách tham quan và mua sản phẩm tại nhà trưng bày dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Văn Nỷ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề dệt truyền thống, chị Quảng Thị Tám, nghệ nhân dệt thổ cẩm ở HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã ấp ủ ý tưởng phát triển, làm giàu từ chính nghề dệt truyền thống của gia đình. Với lòng yêu nghề và quyết tâm phát triển với nghề, chị đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm dệt của quê hương.Chị Tám bộc bạch: Để phát triển sản phẩm gắn với du lịch tại đây thì cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng được du khách ghé thăm và vô cùng thích thú khi nghe chúng tôi giới thiệu về cách dệt một sản phẩm và trải nghiệm dệt thử đã làm tăng thêm sự yêu nghề của chúng tôi. Bên cạnh đó nhờ sự hỗ trợ khuyến khích của các cấp chính quyền địa phương nên tôi và mọi người trong HTX sẽ duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống của địa phương.
Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Để hộ làm nghề sản xuất được yên tâm với sản phẩm có đầu ra ổn định và kết hợp phát triển du lịch được bền vững, tại 2 làng nghề đã tổ chức và thành lập HTX Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, và HTX gốm Bàu Trúc. Nhìn chung các HTX tại các làng nghề truyền thống đã từng bước giữ vững vai trò là nơi thu mua sản phẩm của các cơ sở sản xuất và là địa điểm du lịch quen thuộc của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, HTX còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu làm gốm cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất. Đồng thời giới thiệu và quảng bá sản phẩm đạt chất lượng, thông qua việc trưng bày sản phẩm tại phòng trưng bày để du khách dễ dàng khi tham quan, trải nghiệm và mua sắm. Và đăng tải lên trang website của làng nghề, tham gia các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm hướng đi mới cho sản phẩm cũng như mở rộng thị trường để tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng hơn.
Hiện nay, người dân của hai làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ nghiệp vẫn đang tập trung phát triển làng nghề với phục vụ du lịch ngay tại quê hương mình với hàng ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi tháng. Có thể nói HTX và làng nghề đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở thị trấn Phước Dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế lao động theo hướng tích cực. Qua đó, giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đồng thời, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới của đất nước cùng phát triển.
Phan Bình