Sự bứt phá của ngành TM-DV được minh chứng bằng những con số “biết nói” qua các giai đoạn phát triển. Chỉ riêng trong năm 2018, giá trị sản xuất ngành này đạt 5.780 tỷ đồng, tăng gấp 1,25 lần so với năm 2016, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 12,1%, chiếm tỷ trọng 62,7% kinh tế chung của toàn thành phố; trong đó, thương nghiệp đạt 1.345 tỷ đồng, tăng 10,8%, khách sạn- nhà hàng đạt 891 tỷ đồng, tăng 13,3%; dịch vụ khác đạt 3.543 tỷ đồng, tăng 11,6%. Quý I năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Siêu thị VinMart Ninh Thuận đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: V.Nỷ
Để tạo động lực phát triển TM-DV, ngoài nguồn lực từ ngân sách, thành phố tập trung các giải pháp, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại, cụ thể là đầu tư xây mới và nâng cấp hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 17 chợ; trong đó có 1 chợ hạng 1 và 6 chợ hạng 2. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2018, thành phố đã kêu gọi đầu tư xây dựng và đưa Chợ Nông sản Phan Rang đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm việc kinh doanh cho hàng trăm hộ tại chợ Tấn Tài trước đây, tạo mỹ quan đô thị, trật tự giao thông, đáp ứng được nguyện vọng của người dân thành phố. Các siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động ổn định. Trong 3 năm qua, trên địa bàn thành phố hình thành thêm 3 siêu thị gồm: 1 siêu thị kinh doanh tổng hợp Vinmart; 2 siêu thị chuyên doanh là siêu thi điện máy Chợ Lớn và siêu thị điện mày Từ Sơn. Đứng chân trên địa bàn hiện có 7 siêu thị, gồm 2 siêu thị thời trang, 3 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 2 siêu thị chuyên doanh; hàng chục cửa hàng tự chọn. Ngoài ra, với các giải pháp, chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, đặc biệt xây dựng, nâng cấp mở rộng mạng lưới giao thông, các khu đô thị, dân cư mới đã tạo thông thoáng lưu thông hàng hóa, hình thành nhiều tuyến phố mua bán sầm uất.
Khu đô thị mới K1, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) được xây dựng
góp phần tạo bộ mặt mới cho thành phố. Ảnh: V.M
Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư, tích cực hỗ trợ, tháo gở khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này; số cơ sở sản xuất, kinh doanh không ngừng tăng nhanh về số lượng. Điều đáng nói là nhiều cơ sở, doanh nghiệp, tổng đại lý, nhà phân phối luôn đa dạng hàng hóa kinh doanh, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi kích cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các hội chợ TM... không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn tăng năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu, lợi nhuận. Trong 3 năm qua, có khoảng 1.600 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động, trong đó thương nghiệp chiếm 39,1%, khách sạn, nhà hàng chiếm 24,5%... với tổng vốn đăng ký khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có gần 600 doanh nghiệp được thành lập, với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đúng chân trên địa bàn gần 1.000 doanh nghiệp, chiếm trên 40% số doanh nghiệp toàn tỉnh.
Đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng của ngành TM-DV còn phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ du lịch. Nhiều dự án du lịch được đầu tư nâng cấp tạo điểm nhấn quan trọng, góp phần quảng bá và phát triển du lịch thành phố. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cấp hệ thống phòng ốc nghỉ dưỡng, mở rộng các tour du lịch, đáp ứng ngày nhu cầu ngày càng cao, thu hút du khách. Đứng chân trên địa bàn có hơn 100 cơ sở lưu trú, trong đó hơn 40% số phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Năm 2018, thành phố đón gần 2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động này đạt trên 910 tỷ đồng. Riêng trong quý I năm 2019, thành phố đón gần 500 ngàn lượt khách, thu nhập xã hội từ loại hình dịch vụ này đạt gần 230 tỷ đồng.
Trên các lĩnh vực dịch vụ: vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm … ngày càng phát triển, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, tạo được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng và góp phần thúc đẩy cho các ngành kinh tế khác.
Nhân viên Ngân hàng Nam Á chi nhánh Ninh Thuận tích cực tư vấn, chăm sóc khách hàng. Ảnh: Văn Nỷ
Thời gian đến, thành phố tiếp tục các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02- NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển ngành TM-DV trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020, duy trì và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ, tạo ra vị thế cạnh tranh , tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 12%/năm, tăng tỷ trọng của ngành này lên đạt mức 63% kinh tế chung của địa phương, tăng 3,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố tập trung kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này. Trước mắt kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại ở khu vực Tháp Chàm, Bình Sơn, Tấn Tài; nâng cấp, mở rộng mạng lưới chợ phường, xã theo hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ du lịch, nhà hàng, vận tải, viễn thông… phát triển, góp phần xây dựng Tp. Phan Rang- Tháp Chàm trở thành trung tâm thương mại- dịch vụ văn minh, hiện đại, điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo bứt phá cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân đô thị.
Thế Sơn