Đến với bài thơ hay: Đồng chí

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đên rét chung chăn, thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Chính Hữu

Trong mạch thơ khánh chiến chống Pháp có nhiều bài thơ hay viết về tình đồng đội, tình quân dân và “Đồng chí” của Chính Hữu là một trong số đó. Bài thơ đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả, trở thành thi phẩm tiêu biểu về người lính Cụ Hồ những năm 1948 thời kỳ chống Pháp.

Mở đầu bài thơ là những lời tâm sự của người hiến sỹ: “Quê hương anh đất mặn, đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/Anh với tôi đôi người xa lạ/Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”.

Bằng ngôn ngữ bình dị, vận dụng thành ngữ và cách nói quen thuộc, Chính Hữu đã khái quát hoàn cảnh xuất thân của những người lính Cụ Hồ. Họ là những người nông dân từ những vùng quê lam lũ đói nghèo, giã từ quê hương lên đường chiến đấu. Chính sự tương đồng về hoàn cảnh đã tạo cơ sở ban đầu cho tình đồng chí, để rồi gắn bó với nhau bằng bao kỷ niệm đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ/Đồng chí!”.

Cuộc sống gian khổ khiến họ dễ đồng cảm với nhau, trở thành người tri âm, tri kỷ. Để rồi hai tiếng “đồng chí” vang lên bình dị mà vô cùng xúc động. Là tri kỷ, họ hiểu rõ nỗi lòng, tâm sự của nhau: “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày/Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay/Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

Người chiến sỹ sẵn sàng từ bỏ niềm riêng, tự nguyện ra chiến trường, ra đi vì làng quê, vì làng quê mà chiến đấu. Nhớ về quê hương, gia đình, họ càng chắc tay súng chiến đấu, đủ nghị lực nếm trải bao khó khăn, thử thách: “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi/Áo anh rách vai/Quần tôi có vài mảnh vá/Miệng cười buốt giá/Chân không giày/Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”.

Đối mặt với những khó khăn đó, người lính không hề sợ hãi mà vẫn lạc quan, yêu đời. Từ trong sự bình thường, hình ảnh người lính của Chính Hữu vẫn ánh lên vẻ đẹp rực rỡ của lý tưởng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, dũng cảm, lạc quan trước hiểm nguy kẻ thù rình rập: “Đêm nay rừng hoang sương muối/Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo”.

Thật là một bức tranh đơn sơ, thi vị về người lính trong một đêm chờ giặc tới giữa nơi rừng hoang sương muối. “Đầu súng trăng treo”- nét sáng tạo độc đáo thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của Chính Hữu giúp thi vị hóa cuộc sống chiến đấu của người lính. Trăng và súng kết thành một không gian thơ trữ tình, là biểu tượng cho tinh thần dũng cảm, hào hoa muôn thuở của người lính "Bộ đội Cụ Hồ"

“Đồng chí” mang vẻ đẹp vừa giản dị, vừa thiêng liêng cao cả, cùng lối viết mộc mạc, chân tình mà gợi nhiều suy tưởng. Bài thơ thành công trong việc dựng lên một tượng đài nghệ thuật về những người lính vệ quốc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Những người lính xuất thân từ nông dân đã chinh phục độc giả bằng sự lạc quan, tình đồng đội trong sáng, trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh cho những thế hệ cầm súng chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc hôm nay và mai sau.