CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Hẻm trong ký ức!

(NTO) Sống ở phố thị, đường phố rộng rãi, thông thoáng, an toàn là thế, nhưng cư dân thường không… an tâm khi có việc phải vào các đường hẻm. Có những con hẻm dài hơn cây số ngoằn ngoèo nối phố này sang phố kia, như mê cung, cũng rộng… thênh thang 2 chiếc ô tô ngược chiều lách nhau còn kịp.

Và đương nhiên cũng có nhiều hẻm cụt lại quá hẹp, người ta phải nghiêng mình mà đi ngang… như cua, rất khổ sở. Tuy nhiên, ở mỗi con hẻm thường có phần hồn “riêng tư” của nó. Mỗi con hẻm là một phần cuộc sống đô thị thu nhỏ và cũng phản ảnh được tính cách… cư dân ở đó. Có thể nói không ngoa, con hẻm là một phần máu thịt của những người sinh sống trong lòng phố thị!

Là cư dân của phố thị từ… lâu đời, tôi có cái nhìn tương đối… một tí về những con hẻm trong lòng thành phố. Có những con hẻm lúc đầu cư dân thưa thớt, rồi qua quá trình phát triển đô thị, dần dần mới hình thành nên cụm dân cư… và rồi có tên gọi. Vì cư dân cùng nghề nghiệp như hẻm… bộ đội, hẻm giáo viên, hẻm hưu trí, hẻm sinh viên, hẻm công chức… mà thoáng nghe qua đã biết ngay thành phần cư dân. Tuy nhiên, phần lớn thì các con hẻm đô thị thường phức tạp, tập trung nhiều lớp dân cư, từ gia đình công chức đến hộ anh xe “ôm”, từ dân “văn phòng” cuộc sống đủ đầy cho đến công nhân lao động, ngành nghề tự do, vật lộn kiếm sống từng ngày. Bởi, cuộc sống vốn dĩ đa dạng và phức tạp (?!).

Như đã nói, mỗi con hẻm đều phản ảnh đến… tính cách của cư dân. Có nhiều con hẻm cư dân thật hiền, đáng mến và cũng ngược lại!. Phan Rang ngày xưa, dù khi còn thị xã nhỏ, nhưng nghe nói đến các hẻm, các khu vực như các con hẻm ở Lò Heo (Mỹ Hương), Ngô Quyền (Đạo Long), xóm Chợ, xóm Xe bò (Kinh Dinh), hẻm Ga (Đô Vinh), hẻm Bến xe (Thanh Sơn)… mỗi khi có việc phải đi qua, thì người dân phố thị thường thiếu an tâm, bởi… nghe nói nơi đây có những “anh hùng hảo hớn” một thời vang danh phố thị. Rất ớn!

Đa phần những con hẻm, cư dân khối phố ít khi gặp nhau, trừ những ngày nghỉ, lễ, Tết gì đó mà thôi. Còn thì từ mờ sáng, trụ cột gia đình đã ra khỏi nhà, hòa mình vào cuộc mưu sinh thường nhật. Cả con hẻm yên ắng, vắng vẻ, chỉ còn lại người già và trẻ con. Đâu đó vang lên tiếng chào mời chè cháo, bánh trái, sửa chữa ổ khóa, mài dao kéo, mà tiếng rao ngân vang, đôi lúc nao lòng! Và mọi sinh hoạt bắt đầu nhộn nhịp từ lúc chiều tối với một góc xã hội phố thị thu nhỏ: cải lương, nhạc trẻ, nhạc bô-lê-rô, tấu hài… mỗi nhà mỗi kiểu, riêng một góc trời. Có những hộ khó khăn, nhà chật chội (mà thường thì nhà phố vốn thế), gặp mùa hè oi bức, bèn bày mâm cơm ra hẻm, ôi thì chuyện con cà, con kê, coi như “góc phố dịu dàng” là của riêng gia đình mình, nghe cũng bức bối nhưng cũng thân thương làm sao… Ông đi qua, bà đi lại cũng có lời chia sẻ, thăm hỏi nhau rất đỗi cảm động, nghĩa tình!

Mà đúng vậy thật, dân mình xưa nay vốn coi trọng tình nghĩa. Dẫu trong con hẻm đa dạng, phức tạp là thế, nhưng ngày ngày ra vào gặp mặt, nụ cười, câu chào trên môi mà hình thành từ lúc nào không biết, tình làng nghĩa xóm thể hiện rất đậm đà, gắn bó. Giỗ chạp, cưới hỏi, tang chế… không ai bảo ai, nhưng khi một nhà có… sự kiện thì cả hẻm xúm xít lo toan. Tuy nhiên nghĩa tình trong hẻm đôi khi cũng thể hiện quá trớn hay… cục bộ. Ví dụ có hộ nào trong hẻm để xảy ra “sự cố” gì ở hẻm khác, nơi khác, thế thì qua lời chủ nhà “tâm tư”, cả hẻm bèn… tập hợp, biểu dương lực lượng, rần rần kéo đi, ra chiều bộc lộ mạnh mẽ, dữ dằn với… đối phương. Cách thể hiện này thì chả hay ho gì mà đôi lúc lại làm tình hình an ninh trật tự phức tạp, có khi nghiêm trọng!

Cảm nghĩ chung là vậy, tuy nhiên cuộc sống ngày càng hoà mình vào trào lưu của thời đại, với nghĩ suy xây dựng phố thị ngày càng văn minh, hiện đại, thì rõ ràng hôm nay, bộ mặt và cái hồn của từng con hẻm đã đổi khác rất nhiều so với ngày xa xưa!