Trong đó, có là hai nhà văn nữ đã có những thành quả đáng mừng: Khánh Liên và Nguyễn Thị Kim Hòa. Những sáng tác và hoạt động văn học của họ đã vượt qua “khuôn khổ tỉnh lẻ” sánh vai cùng Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hồng Lam, Inrasara, Thục Linh,… những gương mặt đã tạo ít nhiều ấn tượng.
Ảnh: Đình Nhi
Người cầm bút có nặng lòng với quê hương xứ sở, đem hết tâm trí, sở học và tài năng để dâng tặng quê nhà là điều ghi nhận và trân trọng. Đã từng có một nhà văn lão thành Xuân Thông với những trang biên niên về vùng đất nắng gió và những con người chịu nhiều gian khó nhưng rất đỗi kiên cường. Tuy nhiên viết nhiều về quê nhà vẫn là thơ. Những dòng thơ quê hương dung dị, đằm thắm nhưng không kém phần thi vị. Nếu lật lại những tuyển thơ Ninh Thuận như: Da diết sông Dinh, Khoảng trời quê hương,… với những tác giả quen thuộc như: Tô Nghĩa, Thái Sơn Ngọc, Nguyên Vi, Hoàng Công Tâm, Kim Khê, Ánh Hồng, Bích Hà…
Thực ra, ở Ninh Thuận, tác giả thơ nhiều hơn văn xuôi. Do vậy, thơ viết về quê nhà cũng nhiều hơn truyện, ký. Điều này không lạ, bởi thơ đặc trưng của thể loại dễ làm cho người cầm bút trải lòng và dễ tìm tiếng nói tương tri.
Trong bài viết nhỏ này xin được cùng bạn đọc lại những trang thơ của nhà thơ Hàn Lan Quy, một gương mặt thơ rất quen thuộc với người yêu thơ tỉnh nhà. Anh hiền lành, trầm tính và lịch lãm. Riêng tôi, anh là nhà thơ có vốn hiểu biết sâu cùng với bề dày trải nghiệm về nơi mình đang sống, đang yêu và đang làm thơ. Với anh, thơ có một sức hút ngẫu hứng và tự nhiên.
Tôi yêu thơ Hàn Lan Quy, trước hết ở đó rất nhiều hình ảnh quê nhà, tên đất, tên làng, dòng sông, ngọn núi,… vốn thân quen thường nhật bỗng hiện về thi vị và tha thiết lạ thường. Này đây hình ảnh cô thiếu nữ xóm đạo Tấn Tài: “Thánh đường nghiêng nghiêng chiều Tấn Tài/Bên em hoa nắng ngủ trên vai” (Hương chiều). Một ngày xuân vãn cảnh chùa Thiên Hưng, một cảnh đẹp thuộc phường Văn Hải: “Dáng xuân rơi xuống Thiên Hưng/Hốt nhiên thèn thẹn ngập ngừng gót hương” (Dáng xuân). Thăm Bác Ái, thiên nhiên hoang sơ và con người thân thiện nơi đây đã gợi cho anh vẫn vần thơ bình dị mà chân thành: “Em Raglai chân đất/Nắng Raglai rạng ngời?/Củi rừng già nhân nghĩa?/Trái rừng non ân tình/Hương rừng vây tứ phía/Có xao lòng trai Kinh?” (Raglai)…
Dù vậy, quê nhà vẫn là nơi thiết tha nhất. Nhà thơ dành cho nó thứ tình cảm dạt dào và máu thịt. Mảnh đất thôn Dư, Dư Khánh, Khánh Hải nơi anh sinh ra và cả đời gắn bó luôn hiện diện trang thơ anh với tất cả ân tình: “Ăn cà giòn mắm nêm/Cùng bạn bè thân thuộc/Đánh một hơi rượu thuốc/Chiều thôn Dư êm đềm”. Ôi chao, trái cà giòn, chén mắm nêm thân quen đến nỗi rất ít người nhớ mà đưa nó vào thơ. Phải chân tình, máu thịt với quê hương xứ sở mới thiết tha đến vậy! Thôn Dư Khánh quê anh còn có tục danh là Nại. Và anh đã nhiều lần gọi nó: “Sông ơi!... sao chẳng dài thêm/Nại ơi!... đâu dấu chân chim thuở nào”; “Gió đưa hương lúa bay cao/Vờn qua đầm Nại, lạc vào nhà ai” (Hương chiều 2).
Quê anh là miền sơn thủy hữu tình. Có núi Đá Chồng, núi Quýt, có đầm Nại, có cửa biển Tri Văn, nơi đây còn có bến Lăng Tô mà anh dành riêng cho một thi phẩm Bến Lăng Tô mà nếu có dịp chúng tôi xin được giới thiệu cùng bạn yêu thơ.
Thơ là người. Thơ là tình. Chính tình yêu quê hương đã tạo nên thần thái cho thơ Hàn Lan Quy…
B.D