Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, sau khi nhận phòng, nghỉ ngơi ít phút, ăn tối thoáng chút đã 19 giờ, cô gái người dân tộc thiểu số hối thúc: Anh ơi, giờ mình đi thăm lăng Bác được không? Tôi nói: - Theo chương trình thì sáng mai các đoàn sẽ đi viếng lăng Bác. Vậy, chú đưa tụi tôi đi thăm Tháp Rùa, chị nông dân đề nghị. Mới đó đã hơn 5 năm tôi mới có dịp trở lại Hà Nội, không biết Hồ Gươm giờ ra sao? Tôi gật đầu: - Ừ, tối nay chúng ta tranh thủ dạo ngắm Hồ Gươm linh thiêng vậy!
Hồ Gươm về đêm.
Đêm Hồ gươm huyền ảo
Dưới ánh đèn điện nhìn từ mọi phía mặt Hồ gươm sáng lấp lánh như ngọc, nổi lên giữa làn nước hình Tháp Rùa ánh vàng rực rỡ cùng với đền Ngọc Sơn, nơi thờ thần Kim Quy sơn son tươi roi rói. Mới hơn hai mươi giờ đêm nhưng cái rét đầu đông đã thấm lạnh, chúng tôi lúc rảo bước chầm chậm, lúc sải dài bước chân cho người bớt lạnh. Dọc quanh bờ hồ, từng nhóm người, nhóm người nối nhau đi dạo ngắm Hồ Gươm về đêm. Một số cô cậu học trò, thanh niên thi nhau chụp hình lấy Tháp Rùa làm phông ảnh, nhóm người nước ngoài đi tới đi lui quay video clip bên đền Ngọc Sơn, cạnh đó các chị tập thể dục nhịp điệu sôi động, thật đẹp mắt…Ánh sáng điện cùng những làn gió nhẹ làm mặt nước phản chiếu lung linh huyền ảo cùng góc phố cổ kính, hàng cây ven hồ. Tháp Rùa nhìn từ xa giống như vương miện nhà vua vàng rực trong đêm tối, ngắm qua hàng liễu rủ ven hồ ta cảm nhận nó giống nàng công chúa kiêu sa. Thú thật, đã dạo quanh Hồ Gươm không ít lần, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được vẻ đẹp hoà quyện giữa không gian, con người, nét rất riêng chỉ có nơi truyền thuyết dân gian về lịch sử giữ nước của Vua An Dương Vương để mỗi người con đất Việt khi chiêm ngưỡng Hồ Gươm đều cảm nhận vẻ linh thiêng, niềm tự hào về dân tộc, Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Cảm xúc “được gặp Bác Hồ” giữa Thủ đô Hà Nội
Được gặp Bác Hồ, đó là lời của cụ ông trong đoàn năm nay vừa tròn tám mươi tuổi. Cụ nói, Bác chỉ ngủ chờ con cháu tới thăm và đối với cụ được gặp Bác lần này là thoả nguyện lớn nhất trong đời.
Nhà sàn của Bác Hồ trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.
Theo dòng người vô tận, đoàn chúng tôi dù muốn nhanh cũng phải chầm chậm, chầm chậm rảo bước đến nơi Bác yên nghỉ. Qua nơi Bác nằm ai ai cũng nghiêng mình kính cẩn chào người Cha già kính yêu, danh nhân văn hoá thế giới, vị lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc. Không thể lý giải tại sao, Bác nằm đó giống ông tiên, thật khoan thai mà ai ai lòng cũng như nghẹn lại, người rưng rưng, người chớm nước mắt, đoàn chúng tôi cũng không ngoại lệ. Có lẽ như Bác vẫn dõi theo con cháu, đất nước mình giờ ra sao và Người vẫn dành những tình cảm yêu thương nhất cho mỗi người con đất Việt. Rời lăng Bác, chúng tôi ghé thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nơi đây, mỗi người có dịp hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của vị cha già kính yêu gắn liền với những địa danh trong, ngoài nước cùng các sự kiện lịch sử nổi bật. Điểm ấn tượng nhất đối với tôi là hình nước Việt Nam trên khối đá hình tam giác mà bao quanh nó là khối sợi xích bị bung ra, biểu tượng của ý chí không bao giờ chịu khuất phục của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược. Xuyên suốt những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại bảo tàng là tư tưởng hoà bình, hữu nghị, bác ái của Bác đối với các dân tộc, các nước khắp năm châu bốn bể mà trong thời kỳ hội nhập hiện nay vẫn giữ nguyên giá trị và nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới. Từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thăm nơi sống và làm việc của Bác những tháng năm chống Mỹ. Ngôi nhà sàn đơn sơ bên vườn cây, ao cá, bộ quần áo ka ki giản dị, chiếc máy đánh chữ cũ kỹ, chiếc đồng hồ bàn lên giây đã dừng tíc tắc đúng lúc Bác ra đi… Tự những hình ảnh đó đã nói thay một nhân cách vĩ đại vượt thời gian đã sống và làm việc cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho nhân loại. Nhìn dòng người nối nhau không ngừng vào thăm nơi Bác ở, ta có cảm giác nơi đây đang diễn ra lễ hội lớn nhưng trật tự, yên lặng. Chị nhân viên Ban quản lý khu di tích cho biết: Mỗi ngày không dưới sáu ngàn người trong, ngoài nước viếng thăm nhà sàn Bác Hồ và đã có cư dân của 156 quốc gia, vùng lãnh thổ đến nơi đây thăm tìm hiểu về Người. Chỉ vậy thôi đã đủ cho chúng ta tự hào về vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc.
Rời Hà Nội về lại quê nhà, trong chúng tôi ai ai cũng nhớ như in một thoáng đêm Hồ Gươm nơi Tháp Rùa soi bóng mấy ngàn năm văn hiến và hơn hết là “được gặp Bác Hồ”. Câu chuyện về Bác ngủ, làm việc, nơi Bác đã đi qua, những gì Bác Hồ đã làm cho dân tộc, nhân loại sẽ là tư tưởng sáng ngời, là chân lý và hành trang để mỗi chúng ta tiến bước theo Người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Thanh Tâm