Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV năm 2024

Tập trung phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22/11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV năm 2024 chính thức diễn ra. Nhân sự kiện này, Báo Ninh Thuận đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đại hội xung quanh sự kiện chính trị quan trọng này.

* Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024 có ý nghĩa như thế nào trong đời sống chính trị, xã hội của tỉnh?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Đại hội đại biểu các DTTS là sự kiện chính trị, xã hội quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Đại hội nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Đại hội diễn ra vào thời điểm nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đại hội là ngày hội lớn, là dịp để biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào DTTS, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng và an ninh, góp phần cùng các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng để nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; từ đó tạo không khí thi đua mới trong vùng đồng bào DTTS, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Kinh tế gia đình chị Vari Nhông Thị Thuận, thôn Gia Rót, xã Ma Nới (Ninh Sơn) ngày một khá lên nhờ tham gia
Dự án Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm điều hữu cơ. Ảnh: Lê Thi

* Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật đạt được sau 5 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KT-XH, xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia; qua đó đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cộng đồng đồng bào DTTS.

Trong giai đoạn 2019-2024, thông qua các chương trình, dự án được trung ương hỗ trợ có mục tiêu, cùng với vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh và các nguồn lực huy động khác, tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên 4.877 tỷ đồng. Số vốn này đã được tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với hơn 1.000 hạng mục công trình, dự án. Theo đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được đầu tư mạnh mẽ; các vấn đề bức thiết về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất cũng như công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS được quan tâm đặc biệt; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại và chất lượng được nâng cao; các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.

Từ những nỗ lực trên đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Nhờ đó, đa số các chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Cụ thể, hằng năm giảm từ 3-4% hộ nghèo DTTS, riêng huyện Bác Ái giảm từ 4-5%/năm; duy trì 100% trạm y tế xã vùng DTTS và miền núi có bác sĩ làm việc ít nhất 2 buổi vào các ngày khác nhau trong tuần; trên 90% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% phòng học vùng DTTS được kiên cố hóa; vận động trẻ em DTTS trong độ tuổi ra lớp hằng năm bình quân đạt từ 95% trở lên; giải quyết việc làm mới cho đồng bào DTTS bình quân mỗi năm khoảng 6.665 lao động; đào tạo nghề khoảng 1.820 lao động/năm; 100% đường trục thôn, xóm vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong chương trình xây dựng nông thôn mới (chỉ tiêu đề ra 80%); 99,21% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh (chỉ tiêu đề ra 98%)...

Giờ học của các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Ma Nới (Ninh Sơn). Ảnh: V.Miên

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh trong thực hiện chính sách dân tộc, nhìn chung, tình hình KT-XH, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác.

* Phóng viên: Thời gian tới, tỉnh đặt ra những mục tiêu, giải pháp gì để thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Long Biên: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những bài học đúc rút được trong thực hiện các chương trình, đề án từ những năm qua, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2029 phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS. Phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả tỉnh; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững định hướng đến năm 2030.

Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tình hình mới. Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết số 24 và các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII. Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại vùng DTTS và miền núi.

Tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp tục lồng ghép và triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các đề án, dự án cụ thể gắn với huy động nguồn lực để thực hiện. Trọng tâm là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí ổn định dân cư; nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện môi trường gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, quan tâm huy động nguồn lực thực hiện quyết liệt công tác giảm nghèo bền vững. Chú trọng hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho những hộ nghèo có khả năng lao động; phân công cụ thể các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động. Kiên quyết không để phát sinh thêm hộ nghèo, hộ có nhà tạm. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS; tích cực tham gia, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với những việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc nâng cao nhận thức thoát nghèo, ý thức lao động vươn lên của đồng bào.

Đồng thời, tăng cường xã hội hóa để huy động các nguồn lực nhằm phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tỷ lệ tốt nghiệp; tỷ lệ vào đại học của học sinh vùng đồng bào DTTS. Chăm lo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hoàn thành việc sưu tầm, biên soạn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; chú trọng phát triển đảng viên là người DTTS.

Ninh Thuận đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu, Quyết tâm thư của Đại hội lần thứ IV năm 2024 đề ra, góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.

* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.