Ninh Sơn: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ninh Sơn đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của bà con cũng như hướng tới phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.

Là nhạc cụ truyền thống của cộng đồng dân tộc Raglai, đàn Chapi còn được nhiều người biết đến sau khi nhạc sĩ Trần Tiến viết câu hát “Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi” nhằm khẳng định món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con Raglai. Theo bà con Raglai ở xã Ma Nới chia sẻ, đàn Chapi không biết có tự bao giờ, chỉ biết từ lúc cha sinh mẹ đẻ là đã được tiếp xúc và lắng nghe tiếng đàn. Chapi xuất hiện trong mọi sinh hoạt gia đình, cộng đồng và được xem là một phần hồn cốt, niềm tự hào của bà con nơi đây. Thế nên đối với bà con, việc phát huy giá trị đàn Chapi nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung chính là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. Chính vì lí do đó, khi Phòng Văn hóa - Thông tin huyện thông báo tổ chức lớp truyền dạy chế tác đàn Chapi đã có nhiều bà con đăng ký tham gia, trong đó có rất đông các em học sinh, thanh niên.

Được “tận mục, sở thị” tại lớp, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm say mê, hào hứng của các học viên khi theo dõi, lắng nghe nghệ nhân hướng dẫn, đồng thời tự tay làm nên chiếc đàn của riêng mình. Anh Tà Yên Thao, thôn Ú cho biết: Tôi đã từng tham gia lớp dạy đánh Mã la, từ ấy trong tôi trỗi dậy niềm yêu thích với âm nhạc dân tộc lắm. Biết là bận việc đồng áng, nhưng tôi vẫn bố trí quỹ thời gian đến đây học làm đàn. Tuy đàn Chapi mộc mạc, chỉ làm từ một khúc tre nhưng để tạo nên hình dạng, âm thanh thì khá phức tạp. Do đó, ngoài giờ ở lớp, tôi và các học viên cùng nhau ngồi lại, hỗ trợ nhau để khắc các dây, phím đàn cho đạt yêu cầu. Còn đối với em Ka Dá Thị Bích Khuya, lớp 9A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phan Đình Phùng, tham dự lớp học chính là cơ hội quý giá để em được tìm hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc của mình, em chia sẻ: Tại trường, em luôn được thầy, cô giáo dục về niềm tự hào dân tộc; tạo mọi điều kiện để chúng em tham gia các hoạt động thể dục, văn hóa, văn nghệ truyền thống. Tham gia lớp chế tác là một trong những cách mà chúng em vừa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của thế hệ kế cận vừa được sống với niềm đam mê âm nhạc.

Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu hướng dẫn học viên tại xã Ma Nới làm đàn Chapi. Ảnh: Lê Thi

Là người trực tiếp hướng dẫn các học viên, đồng thời là một trong số ít những người có thể thuần thục chế tác và sử dụng các vật dụng, nhạc cụ của đồng bào Raglai như: Đàn Chapi, Mã la, nỏ, gùi... Nghệ nhân ưu tú Chamaléa Âu, thôn Do cho biết: Qua 5 ngày tổ chức, với tinh thần trách nhiệm, gần 50 học viên đã thực hiện được các công đoạn làm đàn Chapi, thành phẩm đáp ứng cơ bản các tiêu chí đặt ra. Bên cạnh lớp chế tác đàn này, thời gian qua, tôi và bà con được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi cơ hội để tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mong rằng với sự hỗ trợ này không chỉ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, mà còn góp phần chung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là hướng đến mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Sơn cho biết: Lớp chế tác nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, huyện Ninh Sơn có trên 20.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 20,9% tổng dân số toàn huyện, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Raglai. Thời gian qua, huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; tích cực chủ động hỗ trợ trang bị nhạc cụ Mã la cho các thôn; thành lập câu lạc bộ, đội đánh Mã la; phối hợp mở các lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ trong trường học, khu dân cư; bảo tồn các hiện vật văn hóa... Thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm, đầu tư xây dựng nhà truyền thống tạo không gian để người dân, du khách tham quan, sinh hoạt; phát huy vai trò các đội văn nghệ trình diễn trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng... Qua đó góp phần lan tỏa niềm yêu thích, sự tự hào của đồng bào Raglai trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đồng thời gắn với phát triển du lịch, thu hút du khách đến với địa phương.