Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ninh Thuận, vùng đất nắng gió, không chỉ nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ, những cánh đồng nho xanh mướt, mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử độc đáo. Những di tích tháp Chăm cổ kính, những lễ hội truyền thống đặc sắc đã và đang trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, khám phá.

Kho tàng di sản phong phú

Với mục tiêu xây dựng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tỉnh Ninh Thuận đang tăng cường quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Những địa điểm này không chỉ mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo, mà còn góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch của địa phương. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến nay, Ninh Thuận có 239 di tích, trong số này, 75 di sản văn hóa (DSVH) đã được lập hồ sơ và xếp hạng ở các cấp khác nhau. Đặc biệt, Ninh Thuận có 2 DSVH được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Trong đó, “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” nằm trong danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, tỉnh còn sở hữu 2 di tích quốc gia đặc biệt là tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai, cùng với 18 di tích quốc gia, trong đó bao gồm các công trình lịch sử và kiến trúc nổi tiếng như: Bẫy đá Pi Năng Tắc, tháp Po Rome, đình Vạn Phước, đình Đắc Nhơn, đình Dư Khánh, đình Văn Sơn, đình Thuận Hòa, đình Khánh Nhơn, miếu Xóm Bánh, đình Tấn Lộc, Chùa Ông và đình Tri Thủy. Danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy cũng đã được công nhận ở cấp quốc gia, trở thành biểu tượng du lịch của tỉnh.

Câu lạc bộ tuồng cổ Ninh Thuận biểu diễn phục vụ người dân tại Lễ hội Cầu ngư ở xã Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Ngọc Diệp

Về DSVH phi vật thể, Ninh Thuận có 5 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Katê của người Chăm, Lễ bỏ mả của người Raglai, Lễ Cầu ngư của ngư dân ven biển, Nghi lễ đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa và Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai xã Phước Hà (Thuận Nam). Thêm vào đó, có 53 di tích và DSVH được xếp hạng cấp tỉnh, bao gồm các di tích lịch sử cách mạng, đình, đền và lăng miếu, tạo nên bức tranh di sản phong phú và đa dạng của Ninh Thuận. Tỉnh hiện có 4 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Bia Hòa Lai, phù điêu Vua Po Rome, bia Phước Thiện và tượng thờ Vua Po Klong Garai.

Nỗ lực bảo tồn và phát triển

Trong những năm qua, Ninh Thuận đã không ngừng quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh hai biểu tượng văn hóa nổi tiếng là tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai, 12 di tích quốc gia khác cũng được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, địa phương và sự đóng góp của cộng đồng. Nhờ đó, các công trình kiến trúc cổ kính như: Đình Vạn Phước, đình Thuận Hòa, đình Tấn Tài, đình Văn Sơn, miếu Xóm Bánh, đền thờ Đức Thánh Trần,... đã được trùng tu, tôn tạo, khôi phục vẻ đẹp vốn có, góp phần bảo tồn DSVH. Các di tích này không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, nhiều di tích tiêu biểu được khai thác trở thành những điểm đến du lịch thu hút đông du khách, điển hình như tháp Po Klong Garai. Ông Đổng Văn Nhường, Phó Trưởng phòng Hành chính - Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Tại tháp Po Klong Garai hằng năm diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng nhưng nổi bật và thu hút sự quan tâm đặc biệt chính là lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn với nhiều nghi lễ và nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng được tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch (đầu tháng 10 Dương lịch).

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để phát huy hiệu quả giá trị của các di tích, DSVH, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh quê hương, thu hút du khách đến tham quan, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng, ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích xếp hạng cấp quốc gia, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu. Các đơn vị chuyên môn áp dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật hiện đại để trùng tu, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc mang bản sắc, đặc trưng riêng của di tích. Đối với các di tích có thể khai thác, phục vụ cho du lịch, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh và các địa phương lân cận để thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị của di sản. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị DSVH; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn.

Với sự đa dạng của DSVH, Ninh Thuận đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam. Việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa, mà còn tạo ra những giá trị kinh tế to lớn cho địa phương. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023, vượt kế hoạch cả năm 2024 đề ra; trong đó khách quốc tế ước đạt 87.000 lượt, thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt 3.662 tỷ đồng.