Thế nhưng lúc những đợt gió bấc tràn về tê buốt sau những ngày mưa dầm u ám là mùa của hoa trái, rau quả. Sau ngày 23 tháng 10 Âm lịch, theo kinh nghiệm dân gian là coi như đã qua một mùa mùa lũ. Câu ca dao: “Ông tha mà bà không tha/Trời làm cây lụt hăm ba tháng mười”. Đấy là kinh nghiệm truyền đời của ngày mà thời tiết, khí hậu hãy còn ôn hòa, chưa đến độ biến đổi thất thường. Đó là lúc nhà nông bắt đầu trồng trỉa rau màu và chăm bón lại những khoảnh vườn, miếng rẫy. Và rồi người ta chờ đợi. Mùa gió bấc là mùa của hoa quả. Đúng vậy. Những đám đậu ván và bắp xanh tốt được trỉa xen nhau đợi chờ cơn gió bấc đi qua là bung hoa, trổ cờ. Những bờ giậu tre xanh rờn dây đậu móng chim, đậu rồng cũng trắng xóa bông tự bao giờ. Rồi những ruộng dưa hấu bắt đầu mơn mởn trái non. Những luống củ sắn cũng bắt đầu nứt đất, tín hiệu củ sắn đã mẩy, tròn to, sắp đến kỳ thu hoạch,…
Con sông Dinh đã qua mùa lũ. Nhà nông thở phào nhìn dòng sông bình yên và hiền hòa như vốn bản tính của nó. Bãi ven sông đã thấy xanh xanh những vạt cúc, vạn thọ, và nhiều loại rau màu khác. Cũng như nhiều bà già quê, bà tôi soạn lại cặp rổ tre khá lớn được gác kỹ trên giàn bếp từ mùa trước. Những chuyến gồng gánh nông sản lên chợ đang được chờ đợi và gợi ra những hình dung sinh động về những ngày vui phía trước.
Bọn con nít đang mơ về những thức quà: bánh trái, quần áo, đồ chơi cùng những phong bao lì xì. Thời đó trẻ con nông thôn chưa có tivi, trò chơi điện tử hay net như bây giờ. Cứ đến mùa giáp tết là các gánh bài chòi từ miệt Quảng, Bình Định, Phú Yên vào lưu diễn. Sân khấu là sân đình hoặc là sân lúa. Mỗi chiều, bọn trẻ con chúng tôi nô nức lo ăn cơm sớm đặng đến “sân khấu” giành chỗ gần, coi cho rõ. Chập tối, gió bấc thổi căm căm nhưng đứa nào cũng chưa kịp mặc áo ấm đã ù chạy như bay khi nghe tiếng trống tuồng thúc giục. Hôm sau trên đường đến trường lũ học trò nhỏ ầm ĩ bàn chuyện vở tuồng đêm qua. Bọn con gái lúc thì mắt đỏ hoe vì thương hai anh em Nghi Xuân, Tấn Lực trong vở Phạm Công Cúc Hoa, lúc thì mơ làm Phàn Lê Huê, Lưu Kim Đính những nữ tướng trong tuồng Ngũ hổ bình tây… Còn bọn con trai thì mơ làm Thạch Sanh đi giết chằng tinh, đại bàng cứu người đẹp… Những câu chuyện mùa đông cứ dài theo con đường học trò thơm thơm mùi lúa vàng bông. Rồi cả bọn lại ước về mấy bộ quần áo tết. Về những phiên chợ giáp năm theo mẹ, theo bà. Về những thức quà, bánh trái sẽ mang lại niềm vui thơ trẻ khi mùa màng đến kỳ thu hoạch.
Mùa đông, với những kỷ niệm ấu thơ bao giờ cũng lung linh và huyễn hoặc tựa như ngàn giấc mơ. Trẻ con đón nhận những tình cảm đẹp đẽ từ người lớn như những món quà đơn sơ bằng tất cả sự hồn nhiên và tin yêu. Và qua đó, bài học cho đi là nhận lại mà người lớn muốn gửi gắm vào tâm hồn trẻ thơ mới diệu kỳ làm sao.
Bùi Diệp