Bước tiến tích cực trong quan hệ Mỹ - Cu-ba

Mỹ đã có động thái tích cực trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Cu-ba sau khi người đứng đầu Nhà Trắng Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) quyết định nới lỏng thêm một số hạn chế về thị thực, tiền gửi và đi lại tới Cu-ba.

Theo quyết định mới của Nhà Trắng, việc trao đổi hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia được khôi phục, sinh viên và nhân viên Mỹ sẽ được tham dự các hội nghị, hội thảo tại Cu-ba, và sẽ có thêm nhiều nhà báo được phép tới Cu-ba. Bên cạnh đó, Oa-sinh-tơn còn cho phép công dân của nước này được chuyển tối đa 500 USD mỗi quý đến những người không phải là họ hàng của mình tại Cu-ba nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế tư nhân. Ngoài ra, các sân bay quốc tế tại Mỹ sẽ được phép cung cấp các chuyến bay thuê đến hoặc đi từ Cu-ba. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng khẳng định "các biện pháp trên sẽ giúp tăng cường tiếp xúc giữa người dân hai nước". Tổng thống Ô-ba-ma đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ An ninh Nội địa thực thi chính sách này.

Đây là lần thứ hai trong vòng một năm, Mỹ tiến hành nới lỏng một số biện pháp cấm vận đối với Cu-ba cho thấy quan hệ hai nước đã có những cải thiện đáng kể, nhất là từ khi ông Ô-ba-ma lên làm Tổng thống. Trong một tuyên bố hồi năm ngoái, ông Ô-ba-ma đã nói rằng, ông ủng hộ việc thay đổi quan hệ với Cu-ba.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ “nới lỏng” lệnh cấm vận cũng tạo điều kiện cho người Mỹ tới Cu-ba nhiều hơn. Trước đây, người dân Mỹ bị hạn chế du lịch sang Cu-ba. Họ chỉ được đến đây nếu có sự cho phép của Chính phủ Mỹ và bị giới hạn số tiền được phép sử dụng ở Cu-ba. Những người được cấp phép sang Cu-ba thường là các vận động viên, nghệ sĩ, nhà khoa học và những người Mỹ gốc Cu-ba về thăm gia đình. Giờ đây, diện đối tượng người Mỹ tới Cu-ba sẽ được mở rộng tới các sinh viên, học giả và cả nhà báo, góp phần làm tăng hiểu biết giữa người dân hai nước cũng như thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp “không khói” của Cu-ba. Số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Cu-ba cho biết, doanh thu du lịch trong năm qua đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2009. Trong năm 2010, bất chấp gặp nhiều khó khăn do các biện pháp cấm vận ngặt nghèo của Mỹ, Cu-ba vẫn thu hút được 2,5 triệu lượt du khách nước ngoài, tăng 2,9% so với năm 2009.

Nhiều du khách nước ngoài vẫn tới Cu-ba bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ. Ảnh: AP
 

Lệnh cấm vận của Mỹ với Cu-ba được áp dụng một phần từ năm 1960, sau đó lệnh trở thành luật năm 1962 với những biện pháp ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Cu-ba. Đây là tàn dư lớn nhất còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo đó, Mỹ cấm hầu hết các hoạt động thương mại và du lịch tới Cu-ba. Quan hệ Mỹ-Cu-ba chỉ ấm lại một thời gian ngắn dưới thời Tổng thống Gim-mi Ca-tơ (Jimmy Carter), nhưng sau đó xảy ra cuộc khủng hoảng di dân khi 125.000 người Cu-ba vượt biên sang Mỹ. Dưới thời Tổng thống Bin Clin-tơn (Bill Clinton), hai nước tái lập quan hệ một thời gian trước khi xảy ra biến cố máy bay chở bốn người Cu-ba lưu vong bị không quân Cu-ba bắn hạ trên vùng biển của đảo quốc.

Quan hệ Mỹ-Cu-ba tiếp tục xấu đi dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bu-sơ. Trong thời gian cầm quyền, ông Bu-sơ đã tuyên bố ngừng vòng đàm phán về di cư Mỹ-Cu-ba năm 2003. Trước đó, tháng 9-1994 và tháng 5-1995, Mỹ và Cu-ba đã ký các thỏa thuận về di cư, theo đó Oa-sinh-tơn sẽ dành 20.000 thị thực cho công dân Cu-ba. Tuy nhiên, Ha-va-na tố cáo Oa-sinh-tơn đã không thực hiện đúng cam kết này, mà ngược lại còn khuyến khích việc nhập cư trái phép theo Luật Điều chỉnh Cu-ba cũng như chính sách "chân khô-chân ướt," theo đó bất kỳ người Cu-ba nào vượt biên sang Mỹ và đặt chân lên lãnh thổ nước này sẽ được nhập quốc tịch Mỹ trong vòng một năm, tuy nhiên người nào chưa đặt chân lên đất liền thuộc lãnh thổ Mỹ mà còn ở ngoài khơi sẽ bị trao trả lại Cu-ba.

Vòng đàm phán về di cư chỉ được tái khởi động hồi tháng 7-2009 sau khi ông Ô-ba-ma lên cầm quyền. Kể từ đó đến nay, Cu-ba và Mỹ đã tổ chức được ba vòng đàm phán về vấn đề này. Ngày 12-1 vừa qua, hai bên vừa tiến hành vòng đàm phán thứ tư về di cư tại thủ đô Ha-va-na của Cu-ba. Hai bên đã đánh giá việc thực hiện cam kết trước đây giữa hai nước trong vấn đề di cư và cùng thừa nhận tình trạng vượt biên trái phép giữa Cu-ba và Mỹ đã giảm đáng kể nhờ nỗ lực của cả hai nước trong cuộc chiến chống đưa người và di cư bất hợp pháp.

(Theo QĐND Online)