Là một trong 10 nhà sản xuất phốt phát hàng đầu thế giới, Ai Cập hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh các thị trường Trung Đông - Bắc Phi và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời khuyến khích các công ty lớn đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng. Từ xuất khẩu phốt phát thô, Ai Cập đang chuyển sang sản xuất phân bón phốt phát để gia tăng giá trị sản phẩm.
Nhu cầu về phân bón phốt phát đã tạo ra một thị trường toàn cầu trị giá 54,6 tỷ USD vào năm 2023 và con số này dự kiến sẽ tăng lên 78,4 tỷ USD vào năm 2030. Phân lân giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất và nâng cao năng suất cây trồng. Các quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển mạnh, chẳng hạn như Brazil, là một trong những nước nhập khẩu phốt phát lớn nhất thế giới. Một khách hàng lớn khác của Ai Cập là Nhật Bản. Nhu cầu phốt phát ngày càng tăng khi các quốc gia tìm cách nâng cao sản lượng nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực. Chính phủ Ai Cập hiện muốn chuyển đổi lĩnh vực khai thác phốt phát thành một động lực kinh tế quan trọng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất và cung cấp các hợp đồng nhượng quyền cho các đối tác quốc tế.
Theo Công ty Tiếp thị Phốt phát và Phân bón Ai Cập (EMPHCO), xuất khẩu đá phốt phát của quốc gia Bắc Phi này có thể đạt 6 triệu tấn trong năm nay, với một phần lớn được vận chuyển đến Ấn Độ. Theo dữ liệu của Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập, kim ngạch xuất khẩu phốt phát hàng năm của nước này hiện vào khoảng 1,6 tỷ USD, nhưng chính phủ Ai Cập đạt mục tiêu đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2040.
Ai Cập là một trong số các nước sản xuất phốt phát trong khối Arab. Vị trí dẫn đầu thuộc về Morocco, quốc gia có mỏ phốt phát lớn nhất thế giới. Jordan và Saudi Arabia khai thác phốt phát nhiều hơn Ai Cập, với sản lượng lần lượt đạt 12 triệu tấn và 8,5 triệu tấn/năm, mặc dù trữ lượng phốt phát của Ai Cập lớn hơn tổng trữ lượng của Jordan (1 tỷ tấn) và Saudi Arabia (1,4 tỷ tấn).
Ai Cập bắt đầu sản xuất quặng phốt phát từ năm 1947 và hiện đang tập trung vào việc tối đa hóa giá trị của sản phẩm này bằng cách chuyển đổi phốt phát thành phân bón và sản phẩm cuối cùng thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô. Cách tiếp cận này giúp nâng cao chuỗi giá trị và củng cố ngành công nghiệp phốt phát của Ai Cập. Chính phủ Ai Cập muốn tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản của mình và đã khởi động vòng đấu thầu toàn cầu để thăm dò quặng phốt phát. Cairo muốn thu hút nhiều vốn đầu tư hơn vào lĩnh vực khai thác mỏ, với mục tiêu thu hút một tỷ USD/năm vào năm 2030.
Chính phủ Ai Cập đang lên kế hoạch cho hai dự án phân bón phốt phát mới, trong đó có dự án sản xuất phân bón phốt phát quy mô lớn với vốn đầu tư trên 500 triệu USD do Công ty Phốt phát Ai Cập dẫn đầu, cùng với hợp tác của Tập đoàn Indorama đến từ Indonesia.
Theo TTXVN