OECD cho biết, việc đặt ra các mục tiêu tham vọng trong cắt giảm khí thải và triển khai các chính sách thực hiện sẽ mang lại lợi ích ròng cho GDP toàn cầu vào cuối thập kỷ tới. Dự kiến, GDP toàn cầu có thể tăng thêm 0,23% vào năm 2040, và con số này sẽ còn cao hơn vào năm 2050.
Đến năm 2050, các nền kinh tế phát triển nhất có thể chứng kiến GDP bình quân đầu người tăng 60%, trong khi con số này ở các quốc gia thu nhập thấp có thể đạt 124% so với mức năm 2025. Trong ngắn hạn, các nước đang phát triển cũng hưởng lợi khi 175 triệu người có thể thoát nghèo vào cuối thập kỷ nếu chính phủ đầu tư mạnh vào giảm phát thải ngay từ bây giờ.
Ngược lại, nếu không hành động, một phần ba GDP toàn cầu có thể bị mất trong thế kỷ này.
Tại hội nghị do Chính phủ Đức tổ chức tại Berlin mới đây, Giám đốc UNDP Achim Steiner nhấn mạnh rằng đầu tư vào chuyển đổi khí hậu không khiến nền kinh tế thụt lùi mà ngược lại giúp GDP tăng trưởng, dù ban đầu mức tăng có thể nhỏ, nhưng sẽ nhanh chóng mở rộng.
Tổng thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Simon Stiell, cũng cảnh báo trong một bài phát biểu mới đây rằng châu Âu sẽ chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng nếu không có hành động mạnh mẽ. Ông cho biết, thời tiết cực đoan có thể làm giảm 1% GDP của châu Âu trước giữa thế kỷ và đến năm 2050, nền kinh tế khu vực có thể suy giảm 2,3% mỗi năm. Mặc dù các con số này có vẻ nhỏ, nhưng điều quan trọng là sự suy giảm sẽ diễn ra liên tục qua từng năm. Để so sánh, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 khiến GDP EU giảm 5,5% nhưng sau đó đã phục hồi. Trong khi đó, suy giảm do khủng hoảng khí hậu có thể tương đương với một cuộc suy thoái nghiêm trọng xảy ra mỗi năm. Nếu kéo dài hai thập kỷ, nền kinh tế EU có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nền kinh tế carbon thấp sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo được đánh giá là tương đối thấp so với những tổn thất tiềm tàng. Tại Anh, chi phí này ước tính chỉ chiếm 0,2% GDP mỗi năm đến năm 2050. Việc hỗ trợ tài chính khí hậu cho các quốc gia nghèo hơn cũng mang lại lợi ích cho các nước giàu.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (Irena) công bố hôm thứ Tư cho thấy công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã tăng kỷ lục 15% trong năm ngoái. Trong đó, gần hai phần ba mức tăng đến từ Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng xanh.
Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn thu hút đầu tư đáng kể. Năm 2023, khoảng 1,5 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng sạch toàn cầu, nhưng đồng thời gần 1 triệu việc làm mới cũng được bổ sung trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Theo TTXVN