Kỷ niệm 33 năm Ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận (1/4/1992-1/4/2025)

Tự hào Ninh Thuận

Sau 33 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đột phá, để đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển vững chắc trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Sau 33 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh; xác định nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp đột phá, để đưa kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển vững chắc trong từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa các nhiệm vụ đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa chủ trương của Đảng phù hợp với quy định mới của trung ương, tình hình thực tiễn của tỉnh và triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị công, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của tỉnh. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội.

Một góc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Đặc biệt sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đạt được những kết quả quan trọng. KT-XH duy trì ổn định và tăng trưởng khá. Từ tỉnh có xuất phát điểm KT-XH thấp (Thu ngân sách năm 1992 chỉ hơn 30 tỷ đồng, đến năm 2024 thu ngân sách của tỉnh đạt gần 5.000 tỷ đồng). Chủ trương phát triển kinh tế biển từng bước trở thành động lực phát triển KT-XH của tỉnh, xây dựng Ninh Thuận thành một trong những địa phương mạnh về biển; đến cuối năm 2024, tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP đạt 42,2%.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã chuyển dịch, tăng mạnh cơ cấu công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lãnh đạo tập trung phát triển 5 ngành, lĩnh vực trọng tâm: Năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng, kinh doanh bất động sản và kinh tế đô thị. Nhờ đó, trong các năm gần đây, dù đối diện với nhiều khó khăn, tác động khách quan nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một tỉnh nghèo, khó khăn, có thu nhập thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình; GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng/người, tiệm cận với mức bình quân của cả nước; chất lượng đời sống Nhân dân được nâng lên.

Cùng với thành tựu về kinh tế, các chính sách chăm lo cho người có công, chính sách an sinh ngày càng được hoàn thiện, được thực hiện tốt, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với những người yếu thế, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ và chính quyền. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo với tinh thần chủ động, sâu sát, quyết liệt, toàn diện; cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương đạt kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được triển khai đồng bộ, kịp thời. Công tác dân vận được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương lớn về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp được giữ vững.

Kỷ niệm 33 năm Ngày tái lập tỉnh là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình tái lập và phát triển đi lên của tỉnh nhà; động viên, cổ vũ, tăng thêm niềm tin, động lực, phấn khởi và tự hào với những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được; đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trí tuệ, chung sức đồng lòng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển toàn diện và đồng bộ KT-XH, tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giữ vững quốc phòng, an ninh; đưa Ninh Thuận cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

-------------

 Ý KIẾN TÂM HUYẾT

* Đồng chí Vũ Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Bắc:

Qua 33 năm tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Ninh Thuận đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt với những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới. Riêng với huyện Thuận Bắc, ghi nhận những bước tiến tích cực trong phát triển các khu công nghiệp và ngành năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được áp dụng thành công, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4-5%/năm. Những thành tựu này không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn tạo động lực mới để huyện Thuận Bắc nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời củng cố niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân vào công cuộc đổi mới.

* Ông Phan Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):

Trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 33 năm Ngày tái lập tỉnh Ninh Thuận, 50 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi càng tự hào hơn về chặng đường đổi mới và phát triển của tỉnh nhà. So với thời kỳ những năm đầu khi tái lập, Ninh Thuận có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt; tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Với các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cùng lợi thế, tiềm năng về kinh tế biển và năng lượng tái tạo, tỉnh ta đang thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp với các dự án quy mô lớn, đặc biệt dự án điện hạt nhân đang được triển khai... Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội cũng được thực hiện hiệu quả, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh sau 33 năm tái lập.

Là người lính, tôi càng trân trọng giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ cha ông và cả những đồng đội của tôi đã đánh đổi bằng xương máu mới giành được. Phát huy truyền thống anh “Bộ đội Cụ Hồ”, chúng tôi nguyện tiếp tục đóng góp sức mình, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế- xã hội. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống, giữ vững tinh thần tự lực, tự cường, đóng góp trí tuệ và sức trẻ để xây dựng Ninh Thuận ngày càng đẹp giàu. 

* Tiến sĩ Phan Công Kiên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố: 

Ninh Thuận phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, diện mạo quê hương từ thành phố đến vùng nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống của người dân cải thiện, nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm. Với sự đoàn kết, quyết tâm và sự hỗ trợ mọi mặt của Đảng và chính quyền các cấp cùng sự vươn lên của mỗi người dân Ninh Thuận, tôi tin rằng quê hương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian đến. Nhất là những dự án quan trọng của quốc gia đang tập trung đầu tư tại Ninh Thuận, sẽ giúp nâng cao được cơ sở vật chất qua đó tạo điều kiện để quê hương phát triển trên hai con số trong những năm tiếp theo. Góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của người dân, trẻ em đều được đến trường để nâng cao trình độ và có được việc làm ổn định, thế hệ trẻ cùng nhau “giúp sức góp tài” xây dựng quê hương phồn vinh, đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

* Cả sư Đổng Bạ, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Chăm Bàlamôn:

Với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, qua 33 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất là các dự án năng lượng tái tạo, công trình giao thông kết nối giao thương giữa các vùng, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Bên cạnh đó, nhiều chương trình, chính sách được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các thôn, xã thuộc khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Hy vọng những thành tựu đạt được đến ngày hôm nay sẽ là động lực quan trọng để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo; đưa ra các quyết sách, chiến lược phát triển phù hợp trong tình hình mới. Cùng với đó, quan tâm thực hiện đảm bảo các chương trình an sinh xã hội, chú trọng nhiều hơn đến đời sống vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề cho việc xây dựng và tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương và nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy
 
 
 
00:00
 
00:00