Thế giới một năm nhìn lại

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công

Khoác “chiếc áo mới” là Hiệp ước Li-xbon, được xem là Hiến pháp chung châu Âu, chưa được bao lâu, EU đã vấp phải trở ngại ...

7Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua một năm 2010 đầy biến động khi phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, thách thức lớn nhất đối với đồng ơ-rô (euro) kể từ khi đồng tiền này ra đời hơn 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng cũng dẫn tới những cải cách đầy tham vọng của liên minh gồm 27 quốc gia này nhằm tái lặp lại cảnh ngộ hiện nay trong tương lai.

Trong khi một số nước EU đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, từng bước phục hồi với mức tăng trưởng khá như Đức (2,2%), Phần Lan (4%), Séc (3%), Ba Lan (3,5%)… thì một số nền kinh tế ở các nước Đông Âu tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khủng hoảng nợ công và tình trạng thâm hụt ngân sách tại một số nước Tây Nam Âu đang đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của khu vực đồng ơ-rô.

Khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp, quốc gia có mức nợ công cao nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu, tương đương 144% GDP năm 2010. Đây là hậu quả của thói quen “vung tay quá trán” của người dân Hy Lạp cũng như thuật “tô hồng” thống kê kinh tế của A-ten những năm trước đây nhằm đáp ứng các tiêu chí gia nhập EU. Vụ vỡ nợ của Ai-len xảy ra không lâu sau Hy Lạp cho thấy, nợ công đã trở thành “căn bệnh truyền nhiễm” có khả năng lây lan nhanh. EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải chi hàng trăm tỷ ơ-rô để chữa trị cho hai “con bệnh” trên, với nỗi lo phấp phỏng “mầm bệnh” này có thể bùng phát thành “đại dịch” trong toàn khu vực.
 

Cuộc khủng hoảng nợ công đã phơi bày những khiếm khuyết một cách có hệ thống trong quản lý kinh tế của EU, nhất là việc thiếu cơ quan quản lý tài chính và điều phối kinh tế ở cấp độ liên minh. Mặc dù các thành viên EU đã ký Hiệp ước “Tăng trưởng và ổn định” như một cách để yêu cầu kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, song EU lại thiếu các công cụ thực thi. Điều đó giải thích một phần việc Hy Lạp chi tiêu quá mức và mất sức cạnh tranh, nhưng không bị phát hiện trong nhiều năm, trong khi những lời cảnh báo đối với các nước vi phạm nhằm giữ trật tự cho các nước này cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Sửa chữa sai lầm không bao giờ là muộn. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã thỏa thuận trên nguyên tắc sửa đổi “có giới hạn” Hiệp ước Li-xbon nhằm tăng cường việc quản lý kinh tế và tránh lặp lại khủng hoảng nợ trong khu vực. Theo đó, EU sẽ lập một quỹ cứu trợ lâu dài có thể nhanh chóng cứu trợ cho các nước thành viên bị khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, EU cũng thông qua chiến lược “Châu Âu 2020” với mục tiêu đưa EU trở thành một nền kinh tế phát triển thông minh và bền vững trong 10 năm tới. Bản thân mỗi thành viên EU cũng thực hiện các biện pháp khắc khổ như cắt giảm trợ cấp xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu và giới hạn lương trong khu vực công để đối phó với khủng hoảng nợ công. Người châu Âu giờ đây phải “thắt lưng buộc bụng” bởi họ không muốn đặt gánh nặng lên vai các thế hệ sau này.
 

Cũng trong năm 2010, EU tiếp tục hoàn thiện bộ máy hoạt động sau khi Hiệp ước Li-xbon chính thức có hiệu lực ngày 1-12-2009. Nghị viện châu Âu đã thông qua kế hoạch pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Cơ quan đối ngoại châu Âu đi vào hoạt động từ ngày 1-12-2010. Để khẳng định vai trò quan trọng của mình trong mọi vấn đề của thế giới, EU đã bổ nhiệm 29 Đại sứ đầu tiên tại nước ngoài, trong đó có các nước thuộc khu vực Đông Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Phi-líp-pin... Thực tế cho thấy, trong năm qua, Đông Á đang nổi lên là khu vực tiên phong trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, từ lâu EU cũng bày tỏ mong muốn trở thành thành viên Cấp cao Đông Á (EAS). Do đó, việc bổ nhiệm Đại sứ ở khu vực này được xem là bước đi chiến lược của EU trong tương lai.

Năm 2010 còn chứng kiến những chuyển biến tích cực về ngoại giao của EU trong quan hệ với Nga. Hai bên đã bước vào giai đoạn tạm gác bất đồng, xích lại gần nhau để phát triển kinh tế và đối phó với thách thức an ninh quân sự mới. Đánh dấu cho bước tiến triển đó là chuyến thăm của Thủ tướng Đức A. Méc-ken (A. Merkel) tới Mát-xcơ-va hồi tháng 7 và chuyến thăm đáp lễ của Thủ tướng Nga V. Pu-tin (V. Putin) tới Đức hồi tháng 11. Dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng về Luật Năng lượng của EU, sự mở rộng EU về phía Đông, hay kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, nhưng Nga và EU đã thể hiện thái độ cùng hợp tác trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề trừng phạt I-ran. EU cũng nhất trí triển khai sáng kiến “Đối thoại vì hiện đại hóa” với Nga, thành lập Ủy ban Nga-EU về các vấn đề đối ngoại và an ninh ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao… Trong khi đó, quan hệ EU-Mỹ trong năm 2010 có dấu hiệu chững lại do Mỹ hướng ưu tiên vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, EU vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ bởi Oa-sinh-tơn rất cần sự ủng hộ của EU trong một loạt các vấn đề toàn cầu như cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân của I-ran, Triều Tiên hay hoạt động chống khủng bố, chống cướp biển…

Bước sang năm 2011, dù chưa thể giải quyết ngay được hậu quả của khủng hoảng nợ công, nhưng với bức tranh kinh tế thế giới nhiều màu sáng, EU hy vọng sớm vượt qua khó khăn và tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế ở châu Âu.
 

                                                                                             (Theo QĐND)