Việt Nam đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại
Trong bài viết đăng trên Tạp chí World Politics Review, tác giả Roberto Tofani nhận định kể từ năm 1986 khi bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Năm 2010, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% bất chấp những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước
Việt Nam cũng thành công trong việc giảm tỷ lệ người nghèo và đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng những thành tựu đó không đảm bảo cho một thập niên tăng trưởng nhanh chóng nữa ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí trực tuyến World Politics Review, giáo sư kinh tế Suiwah Dean-Leung thuộc Khoa châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia cho rằng thách thức lớn đối với Việt Nam là tránh rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình mà cần phát triển thành một nền kinh tế có thu nhập cao, hiện đại, công nghiệp hóa.
Theo giáo sư, Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi nhiều vốn và việc các doanh nghiệp này gần đây mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và tài chính đã gây mất ổn định nền kinh tế vĩ mô. Bà cho rằng cần có một sân chơi thoáng hơn và bình đẳng hơn để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Tờ Time của Australia ngày 13-1 đưa tin Đảng Cộng sản Việt Nam đã cam kết xem xét đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm xây dựng Việt Nam cơ bản thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong khi thúc đẩy dân chủ trong Đảng.
Tại La Habana, ngày 13-1, báo Granma, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, đưa tin và ảnh lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại thủ đô Buenos Aires, bà Poldi Sosa Schmidt, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina – Việt Nam, nhấn mạnh quá trình đổi mới 25 năm qua đã chứng minh được khả năng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc đúc kết kinh nghiệm lịch sử và tiến hành những thay đổi phù hợp và đúng lúc, dũng cảm nhìn vào sự thật, nhưng vẫn giữ vững được những nguyên tắc cơ bản ban đầu.
Bà bày tỏ tin tưởng rằng với những tiền đề đó, Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ đề ra được định hướng phát triển phù hợp với Việt Nam trong thập kỷ tới, đặc biệt trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và dẫn dắt thế hệ trẻ giữ vững truyền thống cách mạng.
Nhân dịp này, các cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc như Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Quốc tế tiên khu đạo báo, Thời báo Hoàn cầu đưa tin Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó năm 2011 là năm kỷ niệm 20 năm Việt Nam thực thi “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Với đường lối của Cương lĩnh năm 1991, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam đã giành được những thành tựu nổi bật, diện mạo đất nước hoàn toàn đổi mới.
(Theo SGGPO)