Mưu sinh chợ đêm

(NTO) Từ nửa đêm về sáng, khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ thì chợ đầu mối Tấn Tài lại bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Theo từng gánh hàng, hàng trăm con người bước vào cuộc mưu sinh không quản nhọc nhằn, gian khó…

Những chuyến xe vội vã

Được tách ra từ chợ Phan Rang cách đây 10 năm, Chợ Tấn Tài (phường Tấn Tài, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) hiện có hơn 340 hộ đăng ký kinh doanh, chủ yếu cung cấp các mặt hàng rau, củ, trái cây được nhập từ các địa phương trong tỉnh và từ các tỉnh miền Tây, Đà Lạt về để cung cấp cho thị trường trong tỉnh.

12 giờ đêm…Dưới ánh đèn đường vàng vọt, chợ đầu mối bắt đầu hoạt động. Phiên chợ đêm bắt đầu từ những chuyến hàng từ các nơi đổ về. Anh Nguyễn Tấn Văn, lái xe tải ở phường Đông Hải, uống vội ly cà phê bên đường sau chuyến hàng vừa về chợ cho biết, cứ sau mỗi chuyến hàng chở hải sản đông lạnh vào miền Tây, mình lại nhận chuyên chở trái cây từ trong đó về chợ này. Như vậy, khi về không phải chạy xe trống, đỡ lãng phí lại kiếm thêm thu nhập.

 
Cảnh bán buôn ở chợ đêm Tấn Tài, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.

Khi những chuyến xe tải vừa chở hàng về chợ, Đội dân phòng lập tức có mặt bốc xếp hàng xuống xe. Những thùng trái cây, giỏ rau xanh mướt được những thanh niên lực lưỡng nhanh chóng chuyển tới từng gian hàng. Nặng nhọc, vất vả bốc vác trong đêm, nhưng ai cũng vui vẻ, khẩn trương cùng hỗ trợ nhau một cách nhịp nhàng, thuần thục. Chẳng bao lâu, hàng từ những chuyến xe, theo tay những người “thợ” bốc vác đã chất đầy các lô hàng trong chợ. Vừa bốc xếp xong lô hàng, trên mình còn ướt đẫm mồ hôi, anh Trương Phu, Đội phó Đội Dân phòng chợ Tấn Tài, người đã từng có “thâm niên” trên 10 năm bốc vác ở chợ cho biết: Toàn đội có 26 anh em, chủ yếu là quân nhân xuất ngũ, vừa làm nhiệm vụ bốc xếp hàng, vừa phối hợp với Ban quản lý chợ bảo đảm an ninh trật tự. Để đảm bảo duy trì thường xuyên công việc ở chợ đêm, Đội chia làm hai tổ, thay phiên nhau ngày làm, ngày nghỉ. Tuy tiền công chỉ 30-40 ngàn đồng/tấn hàng, nhưng anh em có việc làm ổn định. Mỗi buổi chợ cũng kiếm được từ 100 đến 200 ngàn đồng/người.

Bươn chải mưu sinh

Nhanh tay “tỉa tót” lại những bắp cải từ các bao hàng mới được chuyển về để kịp bày hàng ra bán, chị Nguyễn Thị Thảo (35 tuổi, ở khu phố 4, phường Mỹ Bình, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết, chị làm ở chợ đêm này cũng được gần 8 năm nay. Mặt hàng chủ yếu mà chị bán là bắp cải, cà chua và bí xanh. Tùy lượng hàng từ Đà Lạt chuyển về, mỗi đêm trung bình chị bán khoảng 300 kg các loại. Hôm nào đắt thì cũng kiếm được 200 ngàn đồng, hôm ế thì khoảng 100 ngàn đồng.

Đa số những người bán hàng ở chợ đều là phụ nữ, thỉnh thoảng bắt gặp bóng dáng người đàn ông loay hoay với mớ hàng rau, dưa, củ, quả. Ghé lại sạp rau nhỏ của ông Trần Văn An (60 tuổi, ở phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), ông cho biết, đã cùng với vợ “chạy” chợ gần 20 năm nay. Dù chỉ bán có 3 mặt hàng là chuối xanh, khế và bạc hà nhưng vì vừa là người thu mua, vừa đi bán nên công việc khá vất vả. Khoảng 1-2 giờ sáng, hai vợ chồng có mặt ở chợ, phụ giúp nhau bán hàng. Đến 7 giờ sáng thì cùng nhau đi đến các nhà rẫy để thu mua chuối, khế; chiều lại đi cắt cây bạc hà. Vợ ông An chia sẻ: Mình làm ăn nhỏ lẻ, mỗi thứ chỉ kiếm lời từ 1.000-2.000 đồng/kg. Mỗi buổi chợ cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng…

3 giờ sáng…chợ đầu mối bắt đầu tấp nập người mua, người bán. Các quầy hàng bày bán tràn ra lòng đường. Tiếng cò kè, trao đổi mua bán rôm rả cả khu chợ, phá tan không gian tĩnh mịch của phố đêm. Dường như ai cũng hối hả, vội vàng, tranh thủ lấy hàng cho kịp bữa chợ sáng. Loay hoay chọn lựa các loại rau, củ, quả, chị Đỗ Thị Kim Lúc (48 tuổi, nhà ở phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết, cứ 1 giờ sáng là chị lại có mặt ở chợ để mua hàng mang lên chợ Hòa Sơn (Ninh Sơn) bán. Vượt chặng đường hơn 35 cây số giữa đêm vắng để mưu sinh, nhưng chị đã gắn bó với nghề này suốt 20 năm nay…

Chẳng mấy chốc, những giỏ rau tươi, trái cây... đầy ắp giữa chợ cứ vơi dần. Những chuyến hàng cồng kềnh theo xe lần lượt rời khỏi khu chợ ồn ào, tỏa về các ngả đường. Cứ thế, cuộc sống trôi theo những chuyến hàng xuôi ngược. Giữa dòng người bươn chải mưu sinh ở chợ đêm này, mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng mong cuộc sống rồi sẽ no đủ hơn sau những lo toan vất vả.

6 giờ sáng, chợ đầu mối thưa thớt dần. Khi bóng đèn đường vụt tắt, một ngày mới lại bắt đầu!