Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên
Rời đường cao tốc Trung Lương, những sắc màu tươi mát của các loại trái cây hai bên đường dẫn vào Tp.Mỹ Tho (Tiền Giang) như xua đi bao mệt mỏi trong chuyến hành trình dài gần nửa ngàn cây số của chúng tôi. Dù chỉ mới đầu mùa, nhưng bà con nơi đây đã bày bán rất nhiều loại trái cây đặc sản của vùng đất phù sa mỡ màu này. Những thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công,… đã không còn xa lạ trên thị trường trong nước và thế giới. Với khoảng 68.000 ha vườn cây ăn trái cho sản lượng mỗi năm gần 1 triệu tấn, “vương quốc trái cây” Tiền Giang xác định sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi bền vững, lâu dài của địa phương. Đây cũng là hướng đi chung của ngành nông nghiệp cả nước.
Một góc chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Ảnh: Văn Miên
Được thiên nhiên ưu ái với hệ thống sông ngòi chằng chịt, các rừng nguyên sinh, vùng ngập mặn mang tính đa dạng sinh học,… các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã và đang phát triển các điểm du lịch sinh thái song hành với bảo tồn những giá trị thiên nhiên. Trại rắn Đồng Tâm (thuộc Trung tâm Nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu – Quân khu 9) đặt tại Tiền Giang là một ví dụ. Hơn 3.000 con rắn thuộc 7 loài (hổ chúa, mang, mèo, hèo, mai gầm, mai bạc, rắn lục) là cơ sở dữ liệu quan trọng trong bảo tồn, nghiên cứu và điều chế các dược liệu quý từ loài bò sát này, đặc biệt là huyết thanh chống nọc rắn. Trại còn nuôi một số loài trăn, vượn, chồn gấu, cua đinh (ba ba), kỳ đà,… Đặc biệt, Trại rắn Đồng Tâm đã xây dựng Bảo tàng rắn với 40 loại rắn sinh sống ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, được xác lập kỷ lục Việt Nam là nhà bảo tàng rắn đầu tiên của quốc gia vào năm 2005. Hàng năm, địa điểm này thu hút hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Chùa Vĩnh Tràng tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Văn Miên
Hàng loạt vườn chim như Vườn Quốc gia Tràm chim Đồng Tháp, Vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ), Vườn chim Bạc Liêu, Sân chim Vàm Hồ (Bến Tre),… là những “ngôi nhà” tự nhiên an toàn cho các loài chim cư trú, trong đó, có không ít loài đặc biệt quý hiếm trên thế giới như Sếu đầu đỏ, Giang sen,… Đến với những nơi này, du khách không chỉ được tìm hiểu về một thế giới hoang dã đặc trưng của rừng ngập mặn mà còn hiểu thêm về những nỗ lực bảo vệ hệ động, thực vật đang dần biến mất dưới sự tác động của biến đổi khí hậu.
Tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa
Nổi danh với những sự kiện lịch sử vang dội như Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút của nghĩa quân Tây Sơn (năm 1785), Chiến thắng Ấp Bắc (năm 1963),… tỉnh Tiền Giang đã gắn việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử quý giá với phát triển du lịch. Nếu có dịp ghé thăm Viện bảo tàng tỉnh Tiền Giang, du khách sẽ được “tận mục sở thị” các loại vũ khí, di vật, mô hình tàu chiến, sa bàn mô phỏng các trận chiến nổi tiếng này. Ngoài ra, tại các khu vực diễn ra sự kiện lịch sử đều có Khu di tích với tượng đài, phòng trưng bày các hiện vật.
Ông Lê Ái Siêm, Giám đốc Viện Bảo tàng tỉnh Tiền Giang cho biết: Hằng năm có trên 50.000 lượt khách đến tham quan Viện Bảo tàng, chưa kể hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên đến tìm hiểu lịch sử, học tập và nghiên cứu,… Hơn 30.000 hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại đây không chỉ là bức tranh sinh động về lịch sử, văn hóa địa phương, là bằng chứng sinh động về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, mà còn là nguồn cứ liệu có giá trị trong học tập, nghiên cứu.
Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Văn Miên
Tại tỉnh Bạc Liêu, các địa danh lịch sử cũng được tôn tạo, hình thành khu di tích, gắn du lịch với quảng bá lịch sử - văn hóa địa phương. Điển hình như Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của đờn ca tài tử, với bản “Dạ cổ hoài lang” là bản nhạc “tổ” của nghệ thuật cải lương ngày nay. Tại đây, du khách không chỉ được viếng mộ, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ mà còn được giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Khu nhà ở của công tử Bạc Liêu cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều khách tham quan.
Đến miền sông nước Nam Bộ mà không thử “dạo” một vòng chợ nổi sẽ là một thiếu sót lớn trong hành trình trên miền đất phù sa này. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) họp từ tờ mờ sáng ( từ 5 giờ sáng), khi mặt trời chưa ló dạng. Sau hơn 30 phút đi tàu từ bến Ninh Kiều (Cần Thơ), cảnh sầm uất, tấp nập của một khúc sông với đủ loại nông sản miệt vườn của phiên chợ lý thú này khiến chúng tôi không còn cảm thấy tiếc vì phải thức dậy từ rất sớm. Người bán buôn trên các ghe, xuồng được gọi là thương hồ. Trên mỗi thuyền buôn đều có một cành tre, gọi là cây “bẹo”. Trên cây treo loại nông sản mà họ bán, giúp người mua dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận món hàng mình muốn mua giữa tấp nập ghe, xuồng. Là chợ đầu mối nên lượng nông sản rất nhiều và có giá khá rẻ. Ngoài nông sản, cũng có một số thương hồ kinh doanh các dịch vụ ăn uống phục vụ người mua, kẻ bán và du khách tham quan.
Chùa Dơi, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Văn Miên
Du lịch văn hóa-tôn giáo cũng là một trong những loại hình thu hút khá đông du khách đến với vùng đất này. Từ sự đa dạng trong đời sống tâm linh của cộng đồng các dân tộc trong khu vực, các tôn giáo như Phật giáo, Hòa Hảo, Bà la môn,… được thể hiện đậm nét qua kiến trúc của các đền, chùa tại khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Đất Sét (Sóc Trăng), chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu),… là những cái tên quen thuộc trong sổ tay du lịch của du khách gần xa.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, sau mỗi chuyến đi, ngoài những điều hay, điều mới học hỏi được, cảm nhận chung của nhiều người có lẽ là vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên, con người ở mọi miền đất nước.
Bảo Bình