Đã hơn 2 năm kể từ ngày tôi rời xa quê hương đi đến một chân trời mới. Hành trang mang theo của tôi là tình yêu của ba mẹ, là niềm tin của thầy cô, bạn bè, là những kiến thức của 13 năm đèn sách, là lòng nhiệt huyết tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Ninh Thuận, một địa danh trên bản đồ mà khi nhắc tới ít ai biết đến. Khi kể về quê hương, bạn bè tôi có thể tự hào rằng quê họ giàu và đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Còn tôi, thường nhớ về miền đất nắng gió quyện mùi muối biển với những mùa khô hạn kéo dài và những người nông dân chịu thương, chịu khó dưới những giàn nho.
Những sinh viên Ninh Thuận đang học tập tại Đại học
Năng lượng nguyên tử Pbninsk, Liên bang Nga cùng thầy cô.
Tôi biết quê mình còn nghèo và cũng lắm khó khăn vất vả, nhưng chính mảnh đất thiếu mưa, thừa nắng ấy đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ thanh niên trưởng thành và tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi phấn đấu góp sức xây dựng quê hương.
Khi Ninh Thuận – quê tôi được chọn là nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, không ít người ngần ngại, lo lắng. Riêng tôi, từ những năm học phổ thông đã có dịp tham quan triển lãm năng lượng của Nhật; sớm được biết đến khái niệm điện hạt nhân, nguyên lý chung và tính an toàn của nhà máy. Từ đó, tôi yên tâm hơn và nhen nhóm mơ ước được làm việc trong lĩnh vực này.
Hoàn thành chương trình phổ thông, sau một năm học tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, tôi may mắn là một trong những sinh viên Việt Nam đầu tiên được chọn đi học chương trình điện hạt nhân tại Liên bang Nga. Tôi vui và háo hức, vì con đường mơ ước của mình đã bắt đầu mở ra. Được học ngành yêu thích ở một đất nước có nền giáo dục tốt, quan trọng hơn là cơ hội được trở về làm việc trên chính quê hương Ninh Thuận yêu thương. Niềm vui ấy trong suy nghĩ non nớt của cậu sinh viên 19 tuổi là mai đây được sống gần gia đình, được đi về trên những con đường thân quen đầy ắp kỷ niệm… Niềm vui ấy cũng giúp tôi nhận ra trách nhiệm của mình, của những người trẻ đang được cử đi học như tôi với tương lai của quê hương Ninh Thuận và có thể là của cả đất nước.
Còn nhớ những ngày đầu đặt chân đến nước Nga xinh đẹp, chúng tôi lạ lẫm trước sự khác biệt về mọi thứ: khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ, lối sống... Chúng tôi là khóa sinh viên Việt Nam đầu tiên đến học tập tại Trường Đại học Năng lượng nguyên tử Obninsk. Obninsk- thành phố khoa học yên bình nằm cách thủ đô Mát-cơ-va 100 km, nơi xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên trên thế giới, cũng là nơi tôi bắt đầu thích nghi với cuộc sống tự lập, quen dần với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, Tổ quốc để quyết tâm phấn đấu học tập.
Những ngày tháng 4… những ngày quê hương tôi đang hân hoan kỷ niệm ngày giải phóng và tái lập tỉnh. Những người con xa quê như tôi lại rạo rực, trông ngóng về quê nhà... Ngắm nhìn những bức ảnh bạn bè chia sẻ về quê hương mà lòng chỉ khát khao được chút không khí rộn ràng ấy. Là những con đường cờ hoa rực rỡ, Quảng trường 16 Tháng 4 với những hoạt động kỷ niệm nhộn nhịp; khu Nhà bảo tàng đã hoàn thành; con đường ven biển uốn lượn tô vẻ thêm cho cảnh đẹp quê hương…
Nhớ về quê hương càng khiến tôi trân trọng những lúc được ở bên gia đình, được hít hà mùi nắng, gió Phan Rang. Đôi lúc thèm một bữa cơm gia đình, thèm được đi dạo trên bờ biển, được dạo chơi trên Quảng trường 16 Tháng 4, được ăn những món ăn mẹ nấu và thèm được ngồi quán cóc vỉa hè cùng bạn bè… Sống xa nhà, sinh viên chúng tôi xích lại gần nhau hơn, đoàn kết như một đại gia đình. Ở đây, cũng có Chi Đoàn Thanh niên, chúng tôi tham gia các hoạt động đoàn thể, đặc biệt là hoạt động văn hóa, thể thao để năng động hơn, rèn luyện được kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình tự tin hơn khi đứng trước đám đông. Tôi thấy mình đang trưởng thành hơn, càng thêm tin tưởng vào những quyết định và sự lựa chọn của mình cho tương lai.
Trong hơn 160 sinh viên Việt Nam tại thành phố này, chiếm đa phần có lẽ là nhóm sinh viên đến từ Ninh Thuận. Điều đáng mừng là qua các đợt kiểm tra, thi cử, các bạn đều được xếp loại khá giỏi, một số bạn còn thể hiện được khả năng của mình khi tham dự vào các cuộc thi Olimpic Vật lí, Hóa học. Tất cả chúng tôi đều mong muốn được trở về Ninh Thuận làm việc, được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Những người con Ninh Thuận xa quê đang nỗ lực hết mình để sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước!
Nhất định tôi sẽ trở về… Ra đi là để trở về!
Nguyễn Hoàng Tuấn