Phóng tầm nhìn qua dòng sông Hậu chở nặng phù sa, Cù Lao Dung như một dải lụa xanh mướt giữa dòng nước lững lờ trôi. Cù Lao Dung hôm nay đã đổi thay, nhưng câu chuyện kể về Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bà con nơi đây vẫn cứ nối tiếp nhau truyền cho con cháu, như một câu chuyện cổ tích.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Ninh Thuận thăm khu Di tích Đền thờ Bác Hồ
tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng trong chuyến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm
với các báo các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Cù Lao Dung đã kiên cường đấu tranh, hy sinh nhiều xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vùng đất này từng là căn cứ địa của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Sóc Trăng. Bà con Cù Lao Dung đã đùm bọc, nuôi giấu bao lớp cán bộ cách mạng, ở cả những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến.
Năm 1969, khi hay tin Bác Hồ mất, quân dân Cù Lao Dung đã tổ chức Lễ truy điệu và để tang Bác. Bà con đồng lòng hợp sức chặt cây đước, tràm, tre và dùng lá dừa nước dựng lên ngôi đền nhỏ ở ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì, huyện Long Phú (cũ), nay thuộc xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, để thờ cúng Bác, hàng ngày thắp nhang tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ngôi đền chính thức khởi công xây dựng từ ngày 3-2-1970, đến 19-5-1970 thì hoàn thành. Điều đáng nói là Đền thờ Bác chỉ cách đồn giặc chừng 800m. Bất ngờ vì trong vùng cù lao sông nước này lại có Đền thờ Bác Hồ, lính giặc nhiều lần tìm cách đốt phá nhưng đều bị nhân dân đấu tranh quyết liệt để bảo vệ. Bà con còn dùng đòn tâm lý, hù dọa bọn chúng “Ai mà đụng đến Đền thờ, người ấy chết không toàn thây.” Nhờ vậy, lính giặc bớt hung hăng. Không những thế, mỗi khi đi ngang qua Đền, lính giặc thường ghé vào thắp nén nhang cho Bác, thường gọi Bác là Ông Hồ, Ông Cụ chứ không dám dùng lời lẽ thất kính. Từ khi hoàn thành cho đến ngày toàn thắng, không lúc nào trong Đền không ấm hương khói. Vào các ngày lễ, tết, bà con thường tụ họp về Đền thờ cúng. Tự bao giờ, ngôi đền nhỏ đã trở thành đình làng trong tâm thức của bà con nơi đây.
Sau ngày giải phóng, chính quyền địa phương và nhân dân nhiều lần tu sửa, mở rộng khuôn viên Khu đền thờ Bác, bê-tông con đường dẫn vào khu đền. Ngày 28-12-2001, Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn Hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp loại Di tích lưu niệm Danh nhân cấp Quốc gia. Hiện nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đang đầu tư xây dựng mở rộng Khu đền thờ Bác, với kinh phí trên 25 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào đúng dịp Kỷ niệm 123 năm Sinh nhật Bác, cũng là “sinh nhật” lần thứ 43 của Khu đền thờ. Đặc biệt, trong Khu Đền thờ có xây dựng mới một phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về Cù Lao Dung giữa những ngày tháng 5 rực rỡ cờ hoa, cảm nhận nhiều đổi thay trên quê hương cách mạng, làng quê khang trang, giàu đẹp hơn xưa, bà con đã ổn định đời sống, từng bước làm giàu. Đồng chí Trần Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện hiện có trên 64.000 dân, sống chủ yếu bằng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, phát triển mạnh nhất là cây mía, với 8.000 ha, năng suất bình quân đạt 120 tấn/ha. Ngoài ra, trên cù lao có khoảng 1.600 ha dừa và trên 1.100 ha mặt nước nuôi tôm sú. Đời sống kinh tế từng bước được nâng lên rõ rệt, nhân dân huyện Cù Lao Dung vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng, giữ mãi lòng kính yêu vô hạn đối với vị Cha già của dân tộc.
“Trong tim miền Nam in bóng hình của Bác. Tiền tuyến một lòng mà thủy chung mà son sắc nhớ tới Người từng phút, quyết giữ trọn niềm tin. Trên khắp quê hương thắng trận lẫy lừng…”. Câu hát tha thiết theo từng nhịp nhấp nhô của Sông Hậu phù sa mỡ màu, miệt mài bồi đắp cho mảnh đất này, như chính lòng kính yêu vô hạn với Bác vẫn bồi đắp cho nhân dân Nam Bộ thêm tự hào, thêm hăng say lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Bảo Bình