Cuộc thi được phát động từ ngày 31-8 đến ngày 15-11-2012 hạn chót nhận tác phẩm. Qua tổng kết đã có 198 tác phẩm của các tác giả là học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, viên chức, công chúng quan tâm đến báo chí và hết lòng vì sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà, đang học tập, công tác tại các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Đặc biệt có tác giả đang là sinh viên du học ở nước ngoài cũng gửi tác phẩm tham dự giải. Trong đó có nhiều đơn vị, trường học có số tác phẩm tham gia nhiều như: Trường THCS Võ Thị Sáu (PR-TC); Trường Phổ thông DTNT Phan Rang, Trường TH Đài Sơn (PR-TC), Trường PT DTNT Pi-năng Tắc (Thuận Bắc); Trường TH Văn Hải 2 (PR-TC), Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh…Điều đó cho thấy giải báo chí có sức lan tỏa rộng trong xã hội. Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã tuyển chọn 15 tác phẩm đạt chất lượng và đáp ứng các điều kiện theo thể lệ vào vòng chung khảo để bình chọn trao giải. Số tác phẩm còn lại, ban tổ chức tuyển chọn lần lượt đăng trên trang Giáo dục của báo in và Báo điện tử Ninh Thuận (NTO).
Nhìn chung, các tác phẩm dự thi đều đáp ứng yêu cầu đề ra, nội dung tác phẩm đã ghi lại những kỷ niệm sâu sắc về thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người; trọn một đời hạnh phúc làm thầy cô giáo, được các thế hệ học trò kính trọng, yêu thương; là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập noi theo.…
Tập thể học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Nguyễn Trãi tặng hoa tri ân thầy, cô giáo. Ảnh Văn Miên
Qua tác phẩm: “Tận tâm một đời thầy” của tác giả Trương Trọng Hiểu-sinh viên đang du học ở Nhật Bản viết về gương thầy giáo Dương Tuấn, nguyên là giáo viên Trường THPT An Phước trọn một đời hy sinh, tận tụy vì học sinh thân yêu, bỏ nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp trồng người của tỉnh nhà. Thật giàu cảm xúc và đầy xúc động khi tác giả ghi lại hình ảnh của thầy Dương Tuấn: “Hơn 35 năm, thầy vẫn gắn bó với sự lựa chọn của mình, với ngôi trường thân thương. Có ai biết, trong nhiều năm trước, đằng sau những nhọc nhằn cơm áo, thầy vẫn âm thầm dành một phần tiền lương ít ỏi để đầu tư vào tài liệu, dụng cụ cho việc giảng dạy. Thay vì theo đuổi thú vui, thầy đã dành thời gian, công sức cặm cụi cắt cắt, vẽ vẽ từng tấm bản đồ, từng hình ảnh minh họa. Hơn ai hết, thầy hiểu rõ, với đám học trò non trẻ này, trực quan sinh động vẫn là điều thiết yếu nhất trong học tập.”
Tác giả Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THCS An Dương Vương (Ninh Hải) với dòng suy nghĩ về cô giáo Nguyễn Thị Bắc Hải, cựu giáo viên Trường CĐSP Ninh Thuận qua tác phẩm: “Nghĩ về cô” với thật nhiều yêu thương, kính trọng tấm gương về sự tận tâm, tận tụy với học trò và nhân cách sống của cô giáo mãi ghi trong trái tim của bao lớp sinh viên: “Trong suốt năm học, cô luôn ân cần, tỉ mỉ giảng dạy cho chúng tôi những kiến thức trọng tâm, cơ bản nhất của phân môn… Ngoài giờ học trên lớp, cô luôn động viên chúng tôi tự học bằng nguồn tư liệu phong phú từ thư viện nhà trường. Cô bảo, đối với người thầy, cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn vì đó là chìa khóa của sự thành công, giúp giáo viên có thể tự tin, chủ động trong mọi tình huống…”.
Thật cảm động khi nghe tác giả Dương Thị Diệu Hòa, giáo viên Trường TH Tấn Tài 1 (PR-TC) với tác phẩm: “Thầy giáo của tôi” viết về Thầy giáo Nguyễn Trung Quốc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An thật giàu cảm xúc: “…Từ thời còn bé, tôi đã có ước mơ trở thành cô giáo...thế nhưng thời gian dần trôi, ước mơ cũng phai nhạt dần cho đến khi tôi được gặp người thầy mà tôi vô cùng kính trọng-thầy Nguyễn Trung Quốc. Và thầy chính là niềm tin tiếp bước vững chắc cho tôi trong sự nghiệp “trồng người” của mình mãi đến hôm nay…”
Riêng tác giả Nguyễn Hữu Hào, giáo viên Trường THPT Lê Duẩn cứ vào dịp 20-11 hàng năm lại nghĩ nhiều hơn về cô giáo Trần Thị Thanh Nhị, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 B2 (từ năm học 1995 đến 1998), Trường THPT Nguyễn Trãi, qua tác phẩm: “Nhớ về cô”. Thật dung dị và trân trọng hình ảnh cô giáo được tác giả ghi lại: “…Bất cứ lúc nào có dịp đi ngang trường, tôi đều tìm kiếm hình dáng người giáo viên mẫu mực, tận tụy. Chính cô là động lực để tiếp bước con đường mà tôi đã lựa chọn. Cô đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống và những trải nghiệm mà cô mang lại đã thôi thúc tôi, dìu dắt tôi đến với nghề giáo hôm nay”.
Tác giả Võ Thị Thu Loan, nhớ lại hình ảnh, đức tính cương trực, thẳng thắn và tấm lòng vì mọi người của thầy giáo Nguyễn Kỳ Yên-cố Hiệu trưởng Trường THCS Trần Thi (Ninh Phước): “Suốt một đời thầy luôn tận tụy với nghề, gần 30 năm làm hiệu trưởng nhưng cuộc sống vô cùng thanh bạch... Thầy tôi không có được một ngôi nhà xây đàng hoàng, thầy chỉ có chiếc xe đạp cộc cạch đến trường và có hôm phải đạp xe đi họp ở Phòng GD-ĐT cách trường khoảng trên 10 cây số. Dẫu cuộc sống thầy còn khó khăn nhưng thầy vẫn luôn quan tâm chia sẻ với mọi người. Khi thì bớt chút đồng lương giúp anh bảo vệ, con cái của đồng nghiệp còn khó khăn: nào là quyển sách để ôn thi, khi thì cây viết, quyển vở…”
Tác giả Lưu Thị Kim Thúy, ở xã Mỹ Sơn ( Ninh Sơn) thật giàu cảm xúc qua tác phẩm: “Mãi nhớ về thầy cô giáo”- những thầy, cô giáo đã dạy bảo, giáo dục và giúp định hướng tương lai cho bản thân. Tác giả không bao giờ quên công ơn của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Kim Thanh, Trường THCS Trần Hưng Đạo (Ninh Sơn), thầy giáo Nguyễn Đức Thạch, dạy văn Trường THPT Chu Văn An…
Nhân lên hình ảnh cao thượng và đẹp đẻ của những thầy, cô giáo đang công tác ở vùng cao, đang từng ngày, từng giờ cống hiến sức trẻ “Tất cả vì học sinh thân yêu”, phóng viên trẻ Hà Bảo Bình-Báo Ninh Thuận đã thật trân trọng và cảm phục thầy giáo Nguyễn Ngọc Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc bán trú Nguyễn Văn Linh (Phước Tân-Bác Ái) qua tác phẩm: “Tấm lòng người thầy”. Tác giả đã cho bạn đọc cảm nhận được sự hy sinh, cống hiến của thầy giáo trong việc chung tay tu sửa trường lớp, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho việc học tập của học sinh, trước khi vào năm học mới trên cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm…
Còn nhiều bài viết của nhiều tác giả “nhí” là các em học sinh của Trường TH Đài Sơn, TH Thành Hải 2.. tuy hình thức thể hiện tác phẩm còn hạn chế nhưng đa phần các em đều nêu lên được sự biết ơn, vâng lời thầy cô giáo cố gắng học tập giỏi để không phụ lòng thầy, cô giáo đã dạy dỗ các em nên người sau này…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, giải báo chí lần này còn một số mặt hạn chế như: Tuy số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhưng đa phần chưa đáp ứng đúng tiêu chí của thể lệ như về hình thức thể hiện, cấu trúc của tác phẩm báo chí: Tít bài, thể loại, câu từ, đa phần là bài văn miêu tả…. Hơn nữa thời gian đầu có rất ít tác phẩm tham gia mà phần lớn tác phẩm gửi về ban tổ chức chỉ tập trung vào những ngày cuối của giải. Một số trường học khi nhận tác phẩm của học sinh không gửi ngay về cho ban tổ chức mà chờ đến ngày cuối mới gửi qua đường bưu điện nên bị trễ hạn. Một số đơn vị, cá nhân chưa theo dõi kỹ thể lệ đăng trên Báo nên không nắm kỹ về yêu cầu của cuộc thi nên khi tham gia một số tác phẩm không phù hợp theo thể loại báo chí nên bị loại ngay từ vòng sơ khảo...
Khép lại Giải báo chí Báo Ninh Thuận năm 2012, với chủ đề “Tri ân thầy, cô giáo” tuy còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục trong mùa giải tới, nhưng cuộc thi đã thu hút đông đảo các thành phần: cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, công chúng…cả trong và ngoài tỉnh tham gia. Cuộc thi có sức lan tỏa rộng trong xã hội, tạo động lực về tinh thần; vun đắp truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, qua đó động viên quý thầy, cô giáo chăm lo sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Ninh Thuận.
Các tác phẩm đoạt giải:- Giải Nhất: có 01giải, với tác phẩm: "Tận tâm một đời thầy” của tác giả Trương Trọng Hiểu, NayoGa, Nhật bản.;
- Giải Nhì: có 01giải, với tác phẩm: “Nghĩ về cô” của tác giả Bùi Thị Thủy, giáo viên Trường THCS An Dương Vương;
- Giải Ba: có 03 giải, với tác phẩm: “Thầy của tôi” của tác giả Dương Thị Diệu Hòa, giáo viên Trường TH Tấn Tài 1 (PR-TC); tác phẩm: “Nhớ về cô” của tác giả Nguyễn Hữu Hào, giáo viên Trường THPT Lê Duẩn và tác phẩm: “Tấm lòng người thầy” của tác giả Hà Bảo Bình, PV Báo Ninh Thuận.
- Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 2 giải khuyến khích cho đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi: Tập thể Trường THCS Võ Thị Sáu (Phan Rang-Tháp Chàm) và tập thể Trường Phổ thông DTNT Phan Rang.
Ban Tổ chức sẽ tổ chức tổng kết và trao thưởng cho các tác giả đoạt giải trong thời gian thích hợp nhất.
Nhật Nguyên