Tấm lòng người thầy

(NTO) “Và dài những cơn mưa, thầy ơi sao không kể? Đường mưa thầy lặn lội, sớm chiều với đàn em…”

>> Thầy giáo chủ nhiệm của tôi

>> Nhớ về cô

Bản thân tôi không trực tiếp học thầy, cũng chưa một lần được nhìn thấy thầy trên bục giảng. Nhưng tình cảm tôi dành cho thầy không chỉ là sự tôn trọng, mà còn là sự cảm phục và biết ơn, vì những gì thầy đã làm cho Trường THCS Dân tộc bán trú Nguyễn Văn Linh (Phước Tân – Bác Ái) và những học trò của ngôi trường ấy. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Hương, Hiệu trưởng nhà trường.

Theo chân những thanh niên tình nguyện trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2012 lên vùng cao Phước Tân (Bác Ái) vào những ngày hè, tôi đã hiểu phần nào những vất vả mà thầy và trò của những ngôi trường trên đây phải trải qua. Các bạn thanh niên tình nguyện cùng với thầy cô nhà trường làm một bếp ăn bán trú, 2 thư viện xanh, trang trí lại khuôn viên nhà trường, sửa chữa một số phòng học,…

Lần đầu tiên gặp thầy, tôi cứ nghĩ các thanh niên tình nguyện đang đùa khi chỉ cho tôi người đàn ông ăn mặc giản dị, đang ngồi cưa cây để làm xà ngang và cột chèo cho căn bếp ăn bán trú của nhà trường. Mồ hôi nhễ nhại nhưng thầy vẫn nở nụ cười tươi. Lúc ấy, trời đang mưa.

Lần thứ hai gặp thầy là lúc cả nhóm thanh niên tình nguyện đang cùng các thầy lợp mái tôn cho căn bếp nhỏ. Thầy Hương cùng một thầy giáo nữa “xung phong” leo lên trên mái, đón lấy từng tấm tôn mới có, cũ có, dùng đinh và dây kẽm cố định mái lợp cho chắc chắn. Lúc ấy, trời cũng đang mưa. Người thầy thấm cả nước mưa hay mồ hôi, thầy vẫn cười.

Thầy là người ít nói, nên tất cả những gì thầy nói mà tôi còn nhớ được chính là ý nghĩa của căn bếp đối với một ngôi trường vùng cao. Nó đơn sơ thôi, nhưng sự xuất hiện của nó sẽ tạo một sự thay đổi lớn đối với học sinh toàn trường. Nơi đây, các em sẽ có bữa trưa, có thể chưa thật ngon, chưa thật phong phú, nhưng ít nhất các em không phải đi một đoạn đường xa về nhà, để rồi sau đó có rất nhiều em bỏ buổi học chiều. Và trường học, với các em, sẽ thực sự trở thành một ngôi nhà thứ 2, nhà trường thân thiện. Tôi không phải một học sinh hay giáo viên của trường, càng không phải người địa phương để cảm nhận đủ đầy những điều thầy nói, nhưng nhìn những giọt mồ hôi trên gương mặt thầy, cách thầy miệt mài với hàng loạt những công việc không tên, trái chuyên môn, tôi thật sự tin rằng, cái bếp ăn mà thầy cùng với những giáo viên của trường và các bạn thanh niên tình nguyện đang làm sẽ thật sự mang lại một điều kỳ diệu, một điều có ý nghĩa to lớn.

Để học sinh có những điều kiện tốt nhất trong học tập và sinh hoạt tại trường, các thầy đã trở thành những người thợ “đụng” (đụng đâu làm đó – cách nói vui của các thầy). Và người hiệu trưởng ấy, với cái nón tai bèo và nụ cười hiền hậu, nụ cười mà tôi từng tưởng là của một bác nông dân chất phác, của một người cha đang sửa lại cái xích đu, lối đi, vườn hoa cho những đứa con, đã để lại trong tôi một hình ảnh đẹp về tình yêu nghề và tấm lòng với học sinh. Khi chiến dịch tình nguyện hè kết thúc, tôi trở lại trường vào những ngày cuối tháng 7, khi nhà trường đang chuẩn bị cho năm học mới. Các thầy vẫn đang miệt mài với những công đoạn cuối cùng để hoàn thành việc sửa chữa, trang trí lại khuôn viên nhà trường. Tôi xúc động thực sự khi nghĩ đến niềm vui của các em học sinh trong ngày tựu trường trước diện mạo mới của ngôi trường dấu yêu, do chính các thầy cô giáo của các em mang lại.

Chuyện những thầy, cô giáo ở vùng cao hết lòng vì học sinh từ lâu không còn là chuyện “lạ”. Cái nghề “đi đây đi đó” cho tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều người như vậy, ở nhiều nơi. Thầy Nguyễn Ngọc Hương mãi là nhân vật để lại nhiều xúc cảm trong những lần rong rủi với nghề của tôi, củng cố một niềm tin vững chắc vào những con người đang từng phút, từng giờ cống hiến cuộc đời mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước, bằng tất cả tình yêu và tinh thần trách nhiệm.